Họp báo bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội thứ 13 diễn ra sáng nay sau hơn 20 ngày làm việc. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cùng các Phó tổng thư ký Nguyễn Hữu Toàn và Lê Minh Thông trả lời những câu hỏi của báo chí.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc và hai Phó tổng thư ký chủ trì họp báo. Ảnh: Giang Huy. |
Vì sao không miễn nhiệm bà Kim Ngân và ông Xuân Phúc
- Quốc hội vừa kiện toàn chức danh nhà nước, các ứng viên được bầu và đề nghị phê chuẩn đều trúng cử, một số người được miễn nhiệm cho biết băn khoăn, bị động, được thông báo muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác nhiệm kỳ của họ. Ý kiến của Tổng thư ký? Đây có phải tiền lệ cho những lần chuyển giao nhân sự sau này?
- Kỳ họp này dành khá nhiều thời gian kiện toàn nhân sự. Việc này không phải bị động mà có chuẩn bị, thông báo từ trước. Chúng ta thực hiện đúng theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ. Quốc hội vừa qua thực hiện đúng quy trình.
Thời gian qua, có nhiệm kỳ chúng ta kiện toàn, có nhiệm kỳ không. Như khoá 11 có kiện toàn khoảng 9 chức danh khác nhau. Kỳ này cũng vậy, kiện toàn các chức danh Quốc hội và phê chuẩn chức danh của Chính phủ. Tuỳ thời điểm, nếu cách xa nhau thì phải kiện toàn để đảm bảo lãnh đạo thống nhất.
- Vì sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu nhiệm vụ mới?
- Chúng ta đã bầu bà Ngân làm Chủ tịch, thì không có chuyện lại kiêm Phó chủ tịch, nên không có chuyện miễn nhiệm nữa. Tương tự đối với trường hợp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
- Trong Lễ tuyên thệ, Quốc hội nên đứng dậy để đảm bảo không khí trang nghiêm, ý kiến của ông?
- Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ trước hội nghị Tân Trào, Bác đứng trước lá cờ làm lễ tuyên thệ, chúng tôi lấy ý tưởng từ việc này.
Trên thế giới, trong lễ tuyên thệ có nơi đứng, nơi ngồi, tuỳ theo nghị viện từng nước chứ không có quy định.
- Luật chế định Chủ tịch nước vì sao chưa thông qua?
- Về Luật chế định, đầu nhiệm kỳ khoá 13 đã có đề cập, nhưng bên phía Chủ tịch nước chưa chuẩn bị kịp nên xin lùi lại.
- Các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được có chế tài gì để xử lý trách nhiệm?
- Về các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được, báo cáo kinh tế đã nêu rõ. Hiện chúng ta chưa có chế tài nào cho việc này.
- Nhân sự sắp tới được kiện toàn như thế nào?
- Tới đây, sẽ có kiện toàn lãnh đạo nhà nước tại kỳ họp thứ nhất khoá 14. Bốn chức danh cao nhất sẽ kiện toàn, sẽ có tuyên thệ. Lời tuyên thệ được ấn định trong hiến pháp, tuỳ vị trí có tuyên thệ riêng, ngắn gọn trong 1-2 phút.
Có hay không tổ chức phản động đứng sau ứng viên
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng những đại biểu tự ứng cử khóa trước. Cơ cấu đại biểu tự ứng cử khoá 14 sắp tới ra sao?
- Khoá 13 không có cuộc đánh giá nào về đại biểu tự ứng cử mà chỉ có đánh giá chung về việc hoàn thành nhiệm vụ của các đại biểu. Rất đáng tiếc khoá 13 có 2 đại biểu nữ tự ứng cử bị bãi miễn. Tôi cho rằng đại biểu tự ứng cử hay được đề cử trong Quốc hội không có sự phân biệt, đều rất tích cực phát biểu. Khoá này có nhiều ứng viên tự do. Hà Nội có 48 người sau hiệp thương vòng 2, điều này rất tốt, chứng tỏ người dân thấy vị trí của diễn đàn này. Còn sự tín nhiệm đến đâu là do người dân.
- Có thông tin tổ chức phản động đứng sau một số ứng viên tự ứng cử, Mặt trận Tổ quốc yêu cầu làm rõ để khỏi ảnh hưởng đến các ứng viên. Việc này đã làm đến đâu và nếu phát hiện thì xử lý thế nào. Có ứng viên đưa công khai lên mạng việc lấy tín nhiệm cử tri không minh bạch, quan điểm của Quốc hội về vấn đề này?
- Vừa rồi chúng tôi mới nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A và đã có trả lời là không có việc đó. Đây là ý kiến cá nhân chứ không phải ý kiến của tiểu ban an ninh quốc phòng. Cá nhân đưa thông tin lên mạng thì đó là quyền của cá nhân.
Chúng ta đang trong quá trình hiệp thương, chưa biết người nào vào danh sách.Thời gian vận động bầu cử phải đúng quy định của luật pháp. Quy định phải lấy ý kiến người dân nơi cư trú, vì không ai hiểu người ứng cử bằng người dân nơi họ sinh sống, về đạo đức, gia đình, nhân cách như thế nào. Nếu biểu quyết, trên 50% thì mới được giới thiệu, dưới 50% thì đương nhiên không được giới thiệu. Chúng tôi đi đến các nơi, ở đâu địa phương cũng có bản lí lịch đọc cho cử tri, để họ đánh giá rồi biểu quyết. cái này đã có quy định.
Vì sao không đánh giá đạo đức, nhân cách đại biểu
- Kỳ họp đầu tiên khoá 14 tới sẽ miễn nhiệm, bầu bao nhiêu chức danh?
- Công tác miễn nhiệm sắp tới ít thôi, vì vừa qua đã kiện toàn 37 chức danh. Kỳ họp đầu tiên khoá 14 tới chủ yếu là bầu mới.
- Vừa rồi những chức danh được bầu, phê chuẩn, đều được nhận xét "đã hoàn thành công việc", không có đánh giá về đạo đức, nhân cách. Phiên thảo luận lại là kín, trong khi cử tri có quyền được biết về năng lực, phẩm chất của cá nhân đó?
- Đây là quy trình công tác cán bộ đã được Quốc hội thông qua, đều là họp nội bộ. Đại biểu cũng là đại diện cho dân, quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá được thực hiện đầy đủ, có sự cân nhắc, thể hiện quan điểm của mình bằng lá phiếu. Khi công bố kết quả có người phiếu cao, người thấp, đó là sự đánh giá của đại biểu.
- Trong kỳ họp vừa qua Quốc hội bầu, phê chuẩn nhiều nhân sự chủ chốt, ngoài nhân sự được đề cử thì có ứng viên nào được giới thiệu thêm?
- Theo quy định đại biểu có quyền ứng cử, đề cử, nhưng trong quá trình làm nhân sự, không đại biểu nào ứng cử, đề cử.
Cuộc họp báo kết thúc sau một giờ hỏi đáp.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, do nhu cầu công việc, sắp xếp bộ máy của Đảng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quốc hội khoá 13 vừa kiện toàn 37 chức danh lãnh đạo nhà nước để đảm bảo sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. "Nhân sự vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là của Khoá 13, nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi bầu cử Quốc hội Khoá 14 (ngày 22/5), chúng ta lại kiện toàn nhân sự của các cơ quan nhà nước", ông Lưu cho hay. Luật Tổ chức Quốc hội quy định các chức danh trong bộ máy nhà nước bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội. Như vậy, nếu các chức danh mới trúng cử sắp tới được bầu là đại biểu Quốc hội thì sẽ tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ, còn người nào không trúng cử thì sẽ kết thúc nhiệm kỳ, và được Đảng, Nhà nước bố trí vào vị trí khác. Ông Lưu cũng cho hay, theo quy định của Hiến pháp, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14 vào tháng 7 tới, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án toà án nhân dân Tối cao sẽ tiếp tục tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu. Điều 3 của Luật tổ chức Chính phủ quy định: Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ. Điều 10 Luật tổ chức Quốc hội quy định: 1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức. 2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. |
Hoàng Thùy - Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét