Họp báo bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội thứ 13 diễn ra sáng nay sau hơn 20 ngày làm việc. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cùng các Phó tổng thư ký Nguyễn Hữu Toàn và Lê Minh Thông trả lời những câu hỏi của báo chí.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc và hai Phó tổng thư ký chủ trì họp báo. Ảnh: Giang Huy. |
Vì sao không miễn nhiệm bà Kim Ngân và ông Xuân Phúc
- Quá trình kiện toàn bộ máy nhà nước vừa qua, một số người được miễn nhiệm cho biết họ bị động vì được thông báo muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác. Ý kiến của ông?
- Kỳ họp này Quốc dành nhiều thời gian kiện toàn nhân sự, việc này không phải bị động mà có chuẩn bị, thông báo từ trước. Quốc hội thực hiện đúng theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ.
Thời gian qua, có nhiệm kỳ chúng ta kiện toàn, có nhiệm kỳ không. Như khoá 11 có kiện toàn khoảng 9 chức danh khác nhau. Tuỳ thời điểm, nếu cách xa nhau thì phải kiện toàn để đảm bảo lãnh đạo thống nhất.
- Vì sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội với bà Kim Ngân và chức vụ Phó thủ tướng với ông Xuân Phúc trước khi bầu nhiệm vụ mới?
- Chúng ta đã bầu bà Ngân làm Chủ tịch thì không có chuyện lại kiêm Phó chủ tịch, nên không có chuyện miễn nhiệm nữa. Trường hợp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tương tự.
- Đại biểu góp ý Quốc hội nên đứng dậy trong lễ tuyên thệ để đảm bảo không khí trang nghiêm, ý kiến của ông?
- Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ trước hội nghị Tân Trào, Bác đứng trước lá cờ làm lễ tuyên thệ, chúng tôi lấy ý tưởng từ việc này. Trên thế giới, lễ tuyên thệ có nơi đứng, nơi ngồi, tuỳ theo nghị viện từng nước chứ không có quy định.
- Luật chế định Chủ tịch nước vì sao chưa thông qua?
- Về Luật chế định, đầu nhiệm kỳ khoá 13 đã có đề cập, nhưng bên phía Chủ tịch nước chưa chuẩn bị kịp nên xin lùi lại.
- Các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được có chế tài gì để xử lý trách nhiệm?
- Về các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được, báo cáo kinh tế đã nêu rõ. Hiện chúng ta chưa có chế tài nào cho việc này.
"Tổ chức phản động đứng sau ứng viên" là ý kiến cá nhân
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng những đại biểu tự ứng cử khóa trước?
- Khoá 13 không có đánh giá nào về đại biểu tự ứng cử mà chỉ có đánh giá chung về việc hoàn thành nhiệm vụ của các đại biểu. Rất đáng tiếc khoá 13 có 2 đại biểu nữ tự ứng cử bị bãi miễn. Tôi cho rằng đại biểu tự ứng cử hay được đề cử trong Quốc hội không có sự phân biệt, đều rất tích cực phát biểu.
- Cơ cấu đại biểu tự ứng cử khoá 14 sắp tới ra sao?
- Khoá này có nhiều ứng viên tự do. Hà Nội có 48 người sau hiệp thương vòng 2, điều này rất tốt, chứng tỏ người dân thấy vị trí của diễn đàn này. Còn sự tín nhiệm đến đâu là do người dân.
- Có thông tin tổ chức phản động đứng sau một số ứng viên tự ứng cử, Mặt trận Tổ quốc yêu cầu làm rõ để khỏi ảnh hưởng đến các ứng viên. Việc này đã làm đến đâu và nếu phát hiện thì xử lý thế nào?
- Vừa rồi chúng tôi mới nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A và đã có trả lời là không có việc đó. Đây là ý kiến cá nhân chứ không phải ý kiến của tiểu ban an ninh quốc phòng. Cá nhân đưa thông tin lên mạng thì đó là quyền của cá nhân.
- Có ứng viên đưa công khai lên mạng việc lấy tín nhiệm cử tri không minh bạch, quan điểm của Quốc hội về vấn đề này?
- Chúng ta đang trong quá trình hiệp thương, chưa biết người nào vào danh sách. Thời gian vận động bầu cử phải đúng quy định của luật pháp. Quy định phải lấy ý kiến người dân nơi cư trú, vì không ai hiểu người ứng cử bằng người dân nơi họ sinh sống, về đạo đức, gia đình, nhân cách như thế nào. Nếu biểu quyết trên 50% thì mới được giới thiệu, dưới 50% thì đương nhiên không được giới thiệu. Chúng tôi đi đến các nơi, ở đâu địa phương cũng có bản lí lịch đọc cho cử tri, để họ đánh giá rồi biểu quyết. Cái này đã có quy định.
Vì sao không đánh giá đạo đức, nhân cách đại biểu
- Kỳ họp đầu tiên khoá 14 tới sẽ miễn nhiệm, bầu bao nhiêu chức danh?
- Công tác miễn nhiệm sắp tới ít thôi, vì vừa qua đã kiện toàn 37 chức danh. Kỳ họp đầu tiên khoá 14 tới chủ yếu là bầu mới.
- Những chức danh được bầu, phê chuẩn trong lý lịch đều có dòng nhận xét "đã hoàn thành công việc", không có đánh giá về đạo đức, nhân cách. Phiên thảo luận lại là kín, trong khi cử tri có quyền được biết về năng lực, phẩm chất của cá nhân đó, ông nghĩ sao?
- Đây là quy trình công tác cán bộ đã được Quốc hội thông qua, đều là họp nội bộ. Đại biểu cũng là đại diện cho dân, quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá được thực hiện đầy đủ, có sự cân nhắc, thể hiện quan điểm của mình bằng lá phiếu. Khi công bố kết quả có người phiếu cao, người phiếu thấp, đó là sự đánh giá của đại biểu.
- Trong quá trình bầu các chức danh chủ chốt, ngoài nhân sự được đề cử có ứng viên nào được giới thiệu thêm?
- Theo quy định đại biểu có quyền ứng cử, đề cử, nhưng trong quá trình làm nhân sự, không đại biểu nào ứng cử, đề cử.
Cuộc họp báo kết thúc sau một giờ hỏi đáp.
Hoàng Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét