Mấy hôm nay, nhiều người tham gia giao thông trên quốc lộ 7A, đoạn qua huyện Yên Thành (Nghệ An) dừng chân chân bên một vệ lúa tại xã Vĩnh Thành để chiêm ngưỡng tác phẩm hình bản đồ Việt Nam được tạo thành từ những cây lúa đang thời trổ bông.
Tác phẩm hình bản đồ Việt Nam bằng cây lúa do ông Hòa tạo nên. Ảnh: Hải Bình. |
Chủ nhân của ruộng lúa này là ông Phan Văn Hòa, 59 tuổi, ở xã Vĩnh Thành. Ông Hòa kể, ba năm trước trong một lần xem tivi thấy các chiến sĩ trên đảo Trường Sa xếp hình bản đồ Việt Nam bằng đá, vỏ ngao, sò. Lúc đó trong đầu ông liền nảy sinh ý tưởng tạo bản đồ hình chữ S cỡ lớn bằng chính những cây lúa do ông nghiên cứu.
Việc đầu tiền là giống lúa, ông Hòa chọn 4 giống gồm Vĩnh Hòa 1 có màu tím nhạt; Vĩnh Hòa 2 có màu đỏ; Vĩnh Hòa 3 có màu vàng và Vĩnh Hòa 4 có màu trắng. Tất cả giống lúa là sản phẩm của 10 năm liên tục ông tự mày mò nghiên cứu và đều đã được đăng ký bản quyền.
Sau khi có giống, ông bắt xe vào TP Vinh tìm mua bản đồ Việt Nam về nghiên cứu. Chong đèn nhiều đêm, ông Hòa tìm tòi tô vẽ, chia tỷ lệ. Kết quả ông chọn tỷ lệ 1/1.000 (tức là một cm trên giấy tương đương 10 m trên đồng ruộng).
“Tôi chọn màu đỏ là chủ đạo sẽ dùng cho phần đất liền và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Màu vàng là hình nền cho tấm bản đồ và hai ngôi sao năm cánh đặt ở Hà Nội và TP HCM. Còn màu tím là đường viền ngoài cùng. Trong khi màu trắng là 3 hạt gạo ở lôgô hình tròn phía bên hình chữ S…”, ông Hòa nói.
Khi việc chọn giống và thiết kế hoàn tất, tới công đoạn tìm đất ông gặp không ít khó khăn vì một số hộ dân có thửa ruộng nằm liền kề nhau không đồng ý cho thuê lại. Đến cuối năm 2015, ông Hòa mới thỏa thuận được với một số hộ dân và thuê thành công 0,5 ha ruộng ngay gần nhà.
Do thời tiết năm nay rét đậm, việc gieo mạ có phần không thuận lợi. Đến đầu tháng 2 vừa qua khi cây mạ đủ tuổi, ông Hòa thuê gần 20 nhân công làm việc cẩn thận, cấy liên tục trong hai ngày ròng. Một tác phẩm bản đồ Việt Nam với chiều dài 100 m và rộng 50 m được tạo thành.
“Với mật độ 25 khóm/m2, tấm bản đồ này được hình thành từ 125.000 khóm lúa”, ông Hòa nói và cho biết theo lịch thì khoảng 10 ngày nữa, vựa lúa sẽ vào thời kỳ chín, lúc đó tấm bản đồ hình chữ S sẽ rất rõ.
Phối cảnh tác phẩm của ông Hòa. Ảnh: Hải Bình. |
Để cây lúa phát triển, nhiều đêm ông Hòa túc trực lấy nước chăm sóc đồng ruộng. Về kinh phí, ông Hòa nói đó xuất phát từ lòng đam mê nên xin không được đo đếm. Mong muốn chính của ông là để mọi người được chiêm ngưỡng, hiểu hơn về lãnh thổ tổ quốc mình.
Để phục vụ cho khách tới tham quan tác phẩm, mấy hôm trước ông đã đầu tư công thợ cho dựng một đài cao 8 m bằng tre và sắt ngay ở đầu bờ để mọi người đứng lên đó thỏa sức chiêm ngưỡng.
Tranh thủ tiết học ngoại khóa, thầy Trần Vĩnh Tường (giáo viên trường THCS xã Vĩnh Thành) dẫn theo nhóm gần chục học sinh tới tham quan tác phẩm bản đồ cây lúa. Theo thầy Tường, mô hình sản xuất của ông Hòa rất ý nghĩa, là hình ảnh trực quan để các em thấy được lãnh thổ của đất nước mình bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa.
“Từ tấm bản đồ này sẽ góp phần giáo dục cho các em về tình yêu tổ quốc, yêu quê hương”, thầy Tường nói.
Trong thời gian tới, ông Hòa sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ ở mảnh ruộng này, với đại biểu là khách mời của 18 tỉnh thành phố về lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Phan Văn Hòa tham gia quân ngũ từ năm 1974. Xuất ngũ, ông trở về quê lúa Yên Thành, tìm tòi sáng chế các giống cây nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Từ năm 2006, ông Hòa lai tạo thành công giống lúa mang tên Vĩnh Hòa 1. Lần lượt các năm sau ông tiếp tục thành công với các giống lúa Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3 và Vĩnh Hòa 4.
Năm 2006, ông Hòa là sinh viên khoa giống cây trồng của Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. |
Hải Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét