Trưa 10/6, cụ ông Trần Văn Tiệp qua đời tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận, TP HCM, thọ 101 tuổi. Ông là người đã bỏ nhiều tiền của và phần lớn quãng đời để tìm kho báu 4.000 tấn vàng ở núi Tàu, Bình Thuận
Ông Tiệp quê gốc ở Hải Phòng, vào Sài Gòn khi mới 10 tuổi. Thời chống Pháp, ông từng tham gia cách mạng. Khi còn sống, cụ có tấm bản đồ được cho là dẫn đến kho báu ở núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.
Núi Tàu, nơi được cho có chứa kho vàng ở Bình Thuận. Ảnh: Tư Huynh |
Ông Tiệp cho rằng, vào cuối Thế chiến thứ II, khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, tướng Yamashita đã đưa 18 con tàu chở khoảng 4.000 tấn vàng xuống một hòn núi sát biển thuộc vịnh Cà Ná để chôn giấu. Sau Thế chiến, nhiều người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng nhưng thất bại.
Qua nhiều lần tìm kiếm tại núi Tàu, cụ Tiệp phát hiện một thanh kiếm Nhật, một và vài đồng tiền, đồ Nhật nên càng tin tưởng vào hướng đi của mình.
Được phép của chính quyền địa phương, năm 1993, ông Tiệp thuê máy móc tiến hành đào bới, thăm dò kho báu. Lúc này, cùng hợp tác có ông Tám Hiền, nguyên Bí thư tỉnh Thuận Hải cũ (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận).
Hơn 20 năm ông Tiệp đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để truy tìm kho báu với nhiều biện pháp thủ công cũng như hiện đại, kể cả việc dùng nhà ngoại cảm, tiêu tốn nhiều tiền của nhưng đều vô vọng.
Khu vực đào bới để tìm vàng trên núi Tàu. Ảnh: Hoàng Trường |
Ngoài ra, trong quá trình ông Tiệp thăm dò, địa phương cũng mất nhiều công sức và thời gian cho công tác quản lý nhà nước. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, công an, quân đội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo tàng tỉnh được phân công giám sát hoạt động khai thác thăm dò của nhóm ông Tiệp.
Sau 6 lần cấp phép, ngày 10/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản không cho triển khai tiếp việc tìm kiếm kho báu ở núi Tàu; yêu cầu ông Tiệp hoàn thổ, trả lại hiện trạng núi Tàu như cam kết.
Duy Trần
0 nhận xét:
Đăng nhận xét