Là Chủ tịch Hội đồng tổ chức lấy ý kiến về hình thức kiến trúc mặt đứng công trình dự án khách sạn ở đường Lê Thái Tổ, ông Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho hay, đi qua khu vực dự án, thấy kiến trúc mặt đứng của công trình khách sạn không phù hợp, ông đã cùng các kiến trúc sư của Hội đưa ra ý kiến và gửi tới UBND Hà Nội.
“Dự án nằm ở vị trí rất quan trọng nên phải đánh giá kỹ giá trị kiến trúc hiện có. Công trình hiện tại là ba khối nhà, cao bằng nhau, có khoảng giãn cách và cùng trên mặt phẳng (tuyến đường), tạo nên mặt phố đồng nhất. Nhưng mỗi công trình có tỷ lệ kiến trúc cổ điển khác nhau, cửa, vòng và trang trí khác. Chính sự khác biệt đó của kiến trúc Pháp cũ tạo nên sự đa dạng khó gặp. Nếu là chuyên môn thấy nó rất hay, còn nếu bình thường thấy sập sệ”, ông Thông phân tích.
“Công trình sắp xây làm cổng vòm thống nhất từ đầu này đến đầu kia. Có nghĩa người ta đánh mất giá trị vốn có là cái sinh động, đa dạng trong cái thống nhất, đánh mất hình ảnh kiến trúc”, KTS Thông nói và cho rằng mặt đứng công trình có giá trị văn hóa là tài sản của công ty. Bên trong có thể phá hết nhưng giữ được mặt đứng thì rất ấn tượng với du khách.
Mặt tiền dự án khách sạn nằm ở mặt phố Lê Thái Tổ và nhìn thẳng ra hồ Gươm. Ảnh: Giang Huy. |
KTS Phan Thanh Tùng (Hội kiến trúc sư Việt Nam) bày tỏ quan điểm: “Lo ngại lớn nhất là dự án khách sạn đóng góp được gì cho văn hóa, không gian cộng đồng. Sau khi hoàn thành, khách sạn có tạo bức tường bê tông trước mặt hồ Gươm hay không? Việc xây khách sạn tại đây sẽ tạo ra xung đột giao thông, đặc biệt khi con phố đó trở thành phố đi bộ”.
Theo ông Tùng, hồ Gươm là di sản sống nên công trình nào xây dựng ở đây phải đặt lợi ích văn hóa cao hơn kinh tế. Trong bối cảnh không gian của thủ đô nói chung và khu vực hồ Gươm nói riêng còn rất ít, nên tìm cách dùng không gian ấy để bồi bổ văn hóa chứ không nên phục vụ lợi ích kinh tế.
Đánh giá hồ Gươm là không gian văn hóa lịch sử, biểu tượng của Hà Nội và mỗi lần nhắc đến là động đến trái tim của triệu người dân cả nước, KTS Trần Huy Ánh (Hội kiến trúc sư Hà Nội) cho biết giới kiến trúc sư nhiều lần có ý kiến để bảo tồn không gian văn hóa ấy trước sức ép của đô thị hóa, của những tòa nhà cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều.
Theo ông Ánh, công trình cũ cũng có chức năng thương mại và chủ đầu tư có quyền làm gì để đem lại lợi ích tốt nhất cho họ. Nhưng chức năng làm khách sạn sẽ làm gia tăng lượng người lưu trú đi lại khu vực này. Do đó bên cạnh mục tiêu thương mại, cần chú ý đến không gian công cộng và những giá trị kiến trúc Pháp đặc trưng, quen thuộc gắn với những công trình trong khu vực.
“Tôi xin nhắc lại câu nói của Phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội Lê Văn Lân trước việc nhiều người từng bóp trán suy nghĩ làm cái gì mới ở hồ Gươm thì ông nói nên bóp trán suy nghĩ để nhổ bớt cái gì ở hồ Gươm cho không gian ở đây thoáng đãng hơn chứ đừng bận lòng vì việc phải thêm cái gì đó”, ông Ánh nói.
Trước đó, Văn phòng UBND Hà Nội ra thông báo việc Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương thực hiện dự án khách sạn tại địa chỉ 22-32 Lê Thái Tổ. Thành ủy Hà Nội giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc soạn dự thảo văn bản của UBND thành phố xin ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 10/7. Các đơn vị liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để nhà đầu tư dự án (Công ty cổ phần Intimex Việt Nam) khởi công xây dựng trong tháng 9.
Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét