Ngày 13/12, Hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học trong ngoài nước nêu ra tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Đây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ, với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tại đây, giáo sư Ricardo Hausmann (ĐH Harvard) đã trình bày về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế thông qua đánh giá về sự đa dạng năng lực sản xuất, độ phức tạp của các sản phẩm xuất khẩu và mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng của một quốc gia.
Đề cập đến các hạn chế trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, GS Trần Văn Thọ từ (ĐH Waseda, Nhật Bản) nêu 3 thách thức của trào lưu công nghiệp hóa đối với các nước như Việt Nam, trong đó có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và dư thừa năng lực sản xuất...
PGS Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana, Mỹ) chỉ ra những điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam, như chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… PGS Anh cho biết, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.
Dẫn lời của chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý học Peter Drucker “cái gì không đánh giá được thì sẽ không cải thiện được”, ông khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của mình với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể, nhằm hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.
Tán thành cách đặt vấn đề của PGS Anh, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo. “Cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các nhà khoa học. Ảnh: VGP |
“Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhấn mạnh rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước", Thủ tướng nói và cho biết đây chỉ là cuộc họp mở đầu, Chính phủ mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thường xuyên hơn từ mạng lưới chuyên gia toàn cầu.
Xuân Hoa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét