Phiên chất vấn sáng 17/11 bắt đầu lúc 8h với 20 phút trả lời 18 ý kiến đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ông dành thời gian giải đáp theo các nhóm vấn đề về nâng cao chất lượng cán bộ công chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương...
Khi hết thời gian chất vấn, nhận thấy ông Lê Vĩnh Tân chưa trả lời thẳng vào câu hỏi liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh đã hỏi vào chiều 16/11, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Ninh) đã giơ bảng xin tranh luận lại.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. |
Trách nhiệm trong vụ Trịnh Xuân Thanh "ra đi êm ả"
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân muốn "tạo không khí sôi nổi" ngay từ đầu giờ sáng nên đã mời đại biểu Minh tranh luận. Bà Ngân cho biết chỉ tranh luận lại, còn Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản vì đã hết giờ.
Đại biểu Ngô Văn Minh tiếp tục đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh ra đi êm ả, với các nội dung như ông này luân chuyển từ Bộ Công Thương về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang "theo kiểu nào", vì sao một người có vi phạm như ông Thanh lại có thể trốn đi nước ngoài…
"Tôi thấy ngay đầu giờ, Bộ trưởng đọc tên tôi trong nhóm vấn đề thứ nhất để trả lời, chất vấn của tôi được đông đảo cử tri quan tâm, là bức xúc trong xã hội, nhưng Bộ trưởng không hề đề cập trong câu trả lời của mình", ông bức xúc.
Theo đại biểu, trong việc này có cả trách nhiệm của Bộ Công an. Dẫn lại các các vụ án lớn trước đây như Vinashin, Vinalines..., rồi tới vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ông Minh chất vấn vì sao mỗi lần có những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện thì lại có người bỏ trốn ra nước ngoài.
"Có phản ánh rằng hiện nay Interpol chưa có danh sách ông Trịnh Xuân Thanh trong truy nã quốc tế. Tôi đề nghị các Bộ trưởng phải trả lời, nếu không sẽ gây bức xúc trước cử tri", ông Minh nói.
Do quỹ thời gian dành cho Bộ trưởng Nội vụ đã hết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời đại biểu Ngô Văn Minh bằng văn bản.
"Quốc hội thấy trách nhiệm" trong vụ việc ông Vũ Huy Hoàng
Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đề cập đến nội dung liên quan nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói ông Hoàng được Quốc hội nhiệm kỳ khoá 13 phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương và Quốc hội đã miễn nhiệm.
Qua ý kiến cử tri và chất vấn của đại biểu về sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng thời gian qua, Quốc hội nghiêm khắc phê phán và cũng nhận thấy trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc xử lý những vụ việc tương tự.
"Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ đề xuất xử lý theo quy định pháp luật với tổ chức cán nhân sai phạm. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý cán bộ sai phạm trong thực thi công vụ, trường hợp khi về hưu mới phát hiện sai phạm", bà Ngân nói.
Buộc thôi việc công chức không làm được việc
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết Ban tổ chức trung ương đang chủ trì xây dựng quy trình đánh giá công chức, viên chức. Trước một số chất vấn về bất cập trong quản lý cán bộ, ông Lê Vĩnh Tân thay mặt ngành nhận thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, đồng thời cam kết thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức trung ương hoàn thiện quy định, xử lý nghiêm khắc vi phạm trong lĩnh vực này (nếu có) ở các bộ ngành, địa phương.
Về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các chỉ thị, chương trình hành động cụ thể; tiến hành nhiều cuộc thanh tra liên quan tới chất lượng đội ngũ này tại các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ chú trọng giải pháp về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu với thực thi công vụ.
"Cán bộ, công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng; kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu kém đi liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kỷ luật hành chính; sàng lọc cán bộ yếu năng lực, tín nhiệm thấp không chờ tới hết nhiệm kỳ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương.
Trước việc đại biểu cho rằng tinh giản biên chế chậm trễ, ông Tân cho hay, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định tuy nhiên việc này chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân. Đơn cử, lĩnh vực giáo dục tăng biên chế khi tăng, mở thêm trường... Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng chủ trương về đẩy mạnh tinh giản biên chế.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tân cũng nhắc các bộ ngành địa phương chưa có kế hoạch tinh giản biên chế cần khẩn trương xây dựng.
"Kết quả tinh giản biên chế gắn với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu đơn vị; do đó nếu không hoàn thành công việc này tại đơn vị thì người đứng đầu sẽ bị đánh giá, xem xét trách nhiệm", ông Tân nói.
Về thu hút nhân tài, bộ đã xây dựng đề án thu hút nhân tài từ sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ trình Chính phủ. Riêng Bộ cũng có nhiều chính sách thu hút, sử dụng nhân tài.
Trình đề án cải cách tiền lương vào thời điểm hợp lý
Bộ trưởng Tân cho hay, chế độ tiền lương hiện hành còn nhiều bất hợp lý, nhưng vì kinh tế còn khó khăn nên việc tạo nguồn, sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế chưa được như mong muốn nên khó bố trí tài chính để nâng lương. Vì vậy, đề án cải cách tiền lương sẽ được chuẩn bị kỹ để trình vào thời điểm hợp lý. Thời gian này sẽ không bổ sung thêm các loại phụ cấp đặc thù theo ngành.
Việc tăng lương hưu với nhóm nghỉ hưu trước năm 1993, theo phân công, Bộ Lao động đang chủ trì và sẽ trình vào tháng 5/2018.
Tháng 6/2016, sai phạm liên quan ông Trịnh Xuân Thanh bị phát giác khi báo chí thông tin về việc Phó chủ tịch Hậu Giang được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt và dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh. Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian ông Thanh làm lãnh đạo tại đây. Một ngày sau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Thanh vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông này. Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng hồi tháng 10, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã vượt biên trốn ra nước ngoài rồi bay sang châu Âu. |
Nhóm phóng viên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét