Sáng 10/11, tại buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề "Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ" do báo điện tử Tổ quốc phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu hộ cứu nạn, Bộ Công an tổ chức, thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Phòng cháy đã giải đáp một số câu hỏi liên quan tới công tác này.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Công an. Ảnh: Bá Đô |
- Thưa ông, điều gì quyết định việc chữa cháy hiệu quả?
- Nguyên tắc vàng chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất là 10 phút trở lại khi xảy ra cháy. Trong thời gian này, nếu ứng cứu nhanh thì chỉ một gáo nước là dập tắt. Sau 10 phút thì hệ quả khôn lường bởi tốc độ cháy lan rất nhanh.
Một nguyên tắc quan trọng nữa là phải đảm bảo nguồn nước. Hiện xe cứu hỏa chỉ 4-6 khối nước, phun với tốc độ 7 lít/giây thì mấy phút là hết, nên phải có nguồn nước liên tục. Nhưng thực tế nhiều nơi chúng tôi đến cứu cháy không có nước, vấn đề này rất căng. Sau này nếu phát triển mạng lưới đô thị, hoặc quy hoạch thành phố, phải tính đến vấn đề nguồn nước để đảm bảo cho công tác chữa cháy.
Hiện các thành phố lớn phổ biến tình trạng ngõ nhỏ, nhà nhỏ, để dập lửa hiệu quả cần đầu tư phương tiện cơ động, ví dụ môtô chữa cháy loại nhỏ. Giải quyết được vấn đề này thì công tác phối hợp chữa cháy ở địa bàn dân cư rất hiệu quả.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, nhiều nơi cảnh sát đến dập lửa nhưng không có nước. Ảnh minh họa: Bá Đô |
- Ở các đô thị, đường xá đông đúc, cảnh sát rất khó tiếp cận đám cháy trong thời điểm vàng 10 phút. Vậy người gặp nạn trong các đám cháy cần làm gì trong khi chờ cứu hộ, cứu nạn?
- Trong thời điểm vàng 10 phút trở lại, người gặp nạn phải quyết định sáng suốt. Mọi người cần bình tĩnh tìm các hướng thoát nạn nhanh nhất ra khu thang thoát hiểm. Sau 3-5 phút trong môi trường có khói, khí độc (phát sinh do cháy những sản phẩm độc hại như: nhựa, xốp, keo dán…), người gặp nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không nên có tâm lý chui vào khu vực kín, hay phòng khác vì sẽ rất nguy hiểm do công trình còn nguy cơ sập, cháy tiếp.
Đơn cử như vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông ngày 1/11, trong 15 người cùng hát có 2 người thoát ra ngoài an toàn vì dùng khăn ướt che mũi và dũng cảm lao ra ngoài. Còn lại 13 người ở trong phòng, không chạy ra ngoài, nên bị ngạt khói và tử vong.
- Quán karaoke cháy khiến 13 người chết do thợ hàn cắt bản lề cửa. Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân hàn xì trong các vụ cháy thời gian qua?
- Qua thống kê cho thấy, nguyên nhân cháy chủ yếu là ý thức chủ quan của con người. Riêng nguyên nhân liên quan tới điện chiếm hơn 50%, sau đó là do bất cẩn trong dùng lửa, hàn cắt kim loại.
Trong vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội), thợ hàn đã không tuân thủ đúng quy trình. Khi hàn phải quản lý, kiểm soát tốt vảy hàn, vật hàn. Điểm nối hàn nhiệt độ lên tới hàng nghìn, khi làm phải khoanh vùng, phải có người trông coi và có bình chữa cháy, để có cháy thì xịt luôn... Nhưng chúng ta đã không làm dẫn đến hậu quả khôn lường.
- Trong hoàn cảnh ngân sách đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy khó khăn, nhưng diễn biến cháy nổ lại phức tạp, vậy theo ông phải có giải pháp nào?
- Phải đẩy mạnh xã hội hóa. Hiện nay, kinh phí Nhà nước hạn hẹp và việc để Nhà nước gánh như hiện nay là không đảm bảo. Các cơ sở phải tự lo, đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Phải trang bị phương tiện tùy theo nhu cầu của cơ sở mình. Ví dụ với cơ sở xăng dầu phải chuẩn bị bọt chứ không thể dùng nước. Lực lượng phương tiện phải thường trực. Mong muốn giảm tải cho ngân sách và đảm bảo phản ứng nhanh thì chữa cháy phải từ cơ sở, đó là cái gốc. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ điều này và mong người dân nhận thức rõ hơn.
Đặc biệt, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, kịp thời giải quyết những tình huống lớn xảy ra.
- Ông có khuyến cáo gì với người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy?
- Người dân cần quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt. Ví dụ không để các hàng hóa vật tư dễ cháy nổ ở gần nơi đun nấu; hệ thống điện trong gia đình phải được thiết kế và lắp đặt thiết bị bảo vệ.
Người dân, cơ sở kinh doanh cần hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như: gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn; chủ động dự kiến các tình huống cháy nổ có thể xảy ra để có giải pháp chữa cháy và thoát nạn; trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy. Cần trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ này.
Ngoài ra, mỗi hộ gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy cục bộ đơn giản để nếu có cháy, khói thì thiết bị báo ngay. Cùng với đó phải có thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas, vì hiện nay nhiều hộ sử dụng bình gas đến hỏng thì thôi chứ không biết, không kiểm soát được khí bị rò rỉ. Nếu khí gas bị rò rỉ sẽ tích mỗi ngày một ít và gặp điều kiện sẽ cháy nổ với tốc độ nhanh.
Bá Đô thực hiện
0 nhận xét:
Đăng nhận xét