Trao đổi với báo chí chiều 2/6, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể sân bay Nội Bài với bốn nhà ga T1, T2, T3 và T4.
"Chúng ta đã hoàn thành xây dựng nhà ga T1 và T2, hai nhà ga T3 và T4 sẽ nằm đối diện nhà ga hiện tại ở bên kia đường. Quy hoạch cũng đã cắm mốc lộ giới để quản lý", ông Trường nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trường, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không rất lớn với mức 14-17% một năm, đặc biệt hãng VietJet Air tăng trưởng lớn cả về đội tàu bay, các tuyến bay trong và ngoài nước.
Các khu vực dự kiến để mở rộng sân bay Nội Bài. |
Trước đây, dự báo đến năm 2020 lưu lượng của Nội Bài sẽ đạt 20 triệu khách mỗi năm, nhưng 2016 đã đạt hơn 17 triệu, dự kiến 2017 là 19,4 triệu nên nhà ga T1 và T2 sẽ quá tải trong vài năm tới.
Theo ông Trường, nếu thực hiện ngay xây dựng nhà ga T3 và T4 thì phải trình Quốc hội tương tự như với dự án Long Thành. Quá trình này mất đến 10 năm mới có thể thực thi, sẽ không kịp đáp ứng. Do đó, trước mắt ngành sẽ mở rộng nhà ga T1 và T2 nhằm đáp ứng ít nhất 20-25 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, Bộ dự kiến xây thêm một đường cất hạ cánh ở phía nam, cùng với 2 đường hiện có.
Nhà ga T1 sẽ được mở rộng và cải tạo các tầng để đáp ứng lượng khách nội địa. Trong khi, nhà ga quốc tế T2 có thể kéo dài thêm 6-8 sân đỗ nữa.
Ông Trường nhấn mạnh, việc mở rộng sân bay Nội Bài mới là các phương hướng, kế hoạch cụ thể sẽ được lập và trình Chính phủ xem xét, nhưng tiến độ phải đảm bảo nâng công suất sân bay trước năm 2020.
Cục Hàng không tính toán, phương án xây hai nhà ga mới về phía nam theo quy hoạch cần chi phí đầu tư gần 76.000 tỷ đồng gồm: xây đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và thiết bị phục vụ khai thác khoảng 6.000 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 40.800 tỷ đồng; xây dựng nhà ga 12.000 tỷ đồng; xây đường lăn Bắc Nam 2.000 tỷ đồng; dự phòng và chi phí khác 15.200 tỷ đồng.
Do suất đầu tư lớn, Cục đệ trình phương án khác là xây dựng thêm nhà ga và đường băng mới về phía bắc của sân bay hiện nay. Phương án này có mức đầu tư khoảng 38.800 tỷ đồng. Cụ thể chi phí xây dựng đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và thiết bị phục vụ khai thác cần khoảng 6.000 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng khoảng 11.000 tỷ đồng; xây dựng ga hành khách khoảng 12.000 tỷ đồng; hệ thống giao thông kết nối 2.000 tỷ đồng; dự phòng và các khoản chi khác 7.760 tỷ đồng.
Chung Hoàng - Thu Hằng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét