Tối 30/11, Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã hoàn tất thủ tục tiếp nhận hiện vật kim loại do người dân xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, nhặt được.
Ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng cho biết, hiện chưa có cơ sở khoa học khẳng định hiện vật là thật hay giả. Bằng trực quan mắt thường bước đầu ghi nhận hiện vật kim loại hình rồng, có hai dòng chữa Hán ở phía bên và mặt đế, giống một ấn tín của nhà vua thời xưa.
Hiện vật trước lúc được niêm phong hôm nay. Ảnh: Hải Bình. |
Theo ông Kiếm, việc tiếp nhận hiện vật từ người dân dựa theo Luật di sản văn hóa năm 2010. Hiện vật sau khi tiếp nhận sẽ được niêm phong. Lãnh đạo Bảo tàng sẽ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định, có nhiệm vụ đánh giá hiện vật về giá trị văn hóa và kinh tế.
Các thành viên hội đồng thẩm định sẽ gồm thành viên hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh, đại diện Sở Văn hóa, Sở Tài chính. Khi có kết quả, nếu là hiện vật quý Hội đồng cổ vật quốc gia sẽ phân công đơn vị bảo quản, có thể là Bảo tàng tỉnh Nghệ An hoặc Bảo tàng quốc gia.
Về chính sách thưởng cho người có công phát hiện hiện vật, ông Kiếm phân tích, hiện vật có giá trị kinh tế càng lớn thì phần trăm thưởng càng thấp và ngược lại. Cụ thể nếu hiện vật có giá trị một tỷ đồng thì người phát hiện sẽ hưởng 4%. Nếu hiện vật là 100 triệu đồng thì người có công phát hiện được hưởng 8%...
Hiện vật được cơ quan chức năng trưng bày tại hội nghị giao nhận chiều 30/11 ở UBND xã Nghi Lâm. Ảnh: Hải Bình. |
Trước đó ngày 26/11, bà Nguyễn Thị Khương (47 tuổi) cùng một phụ nữ đi hái rau má tại khu vực trang trại mà gia đình từng múc đất làm ao. Bà Khương dẫm trúng hiện vật bằng kim loại.
Vài ngày sau, người con trai bà Khương chụp ảnh hiện vật đăng lên mạng xã hội khiến nhiều người tò mò tới xem. Phòng Văn hóa huyện và đại diện xã Nghi Lâm sau đó lập biên bản niêm phong hiện vật, đưa về trụ sở xã cất giữ.
Cán bộ chuyên Hán nôm của Thư viện tỉnh Nghệ An cho biết, dòng chữ phần thân hiện vật là "Cửu Long Kim Tỷ" (ấn tín chín rồng), dòng chữ phía dưới là "Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo" (loại ấn để phong thái tử của triều Mãn Thanh - Trung Quốc).
Điều 18 Luật di sản văn hóa 2010 đề cập việc tiếp nhận, quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do thăm dò, khai quật hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp như sau: 1. Mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định tại Điều 6 Luật di sản văn hóa, khi phát hiện hoặc tìm thấy đều thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự. 2. Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để tạm nhập vào kho bảo quản của bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa. 3. Tổ chức, cá nhân giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được khen thưởng và được nhận một khoản tiền thưởng theo quy định tại Điều 33 Nghị định này. |
Hải Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét