Sáng 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 14.
Sau khi 9 cử tri phát biểu ý kiến chuẩn bị trước, người điều hành có ý chuyển sang nội dung khác, Thủ tướng nói ngay: “Tôi muốn lắng nghe thêm ý kiến của bà con, nhất là các vấn đề nóng từ thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống”. Lập tức, hàng loạt cánh tay giơ lên trong hội trường.
Ông Nguyễn Trọng Lô (84 tuổi) đứng dậy phản ánh bức xúc: “Thủ tướng nói trong công tác cán bộ phải tìm người tài chứ không phải người nhà, nhưng trên toàn quốc đang có hiện tượng này, ở Hải Phòng tôi có thể kể ra hàng chục trường hợp”. Bên cạnh đó, cử tri Hoàng Xuân Lâm (nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng) thẳng thắn nêu ý kiến: “Thủ tướng đề nghị với Trung ương, đề nghị với đồng chí Tổng bí thư là Trung ương kê khai tài sản cho chúng tôi xem, để từ đó làm gương cho cán bộ các cấp”.
Trao đổi các ý kiến trên, Thủ tướng nêu rõ để có bộ máy đủ sức đưa đất nước đi lên thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi, nhân tài là nguyên khí quốc gia, do vậy dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền. “Tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”, Thủ tướng khẳng định lại một lần nữa trước đông đảo cử tri Hải Phòng.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người liêm khiết, minh bạch. “Tất cả cán bộ được Quốc hội bầu và phê chuẩn đều đã thực hiện kê khai tài sản, có sự giám sát của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân”.
Trước lo lắng của cử tri về an toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ tướng nhắc đến câu nói nổi tiếng của một đại biểu Quốc hội “con đường ngắn nhất là từ dạ dày đến nghĩa trang” và khẳng định Chính phủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến này. Theo đó, Thủ tướng đã mời Bí thư, Chủ tịch các tỉnh họp để chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó có hai việc lớn. Thứ nhất, người đứng đầu ở chính quyền các cấp, ở trang trại, ở lò mổ, ở cửa hàng, siêu thị phải chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm cả về hành chính và hình sự. Thứ hai, Chính phủ cho tạm ứng ngân sách để phục vụ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, toàn bộ số tiền xử phạt cũng được dùng trở lại trong lĩnh vực này.
“Chủ trương có rồi, ngân sách có rồi, ai làm? Chúng ta phải cùng nhau làm để đảm bảo an toàn cho người dân. Sắp tới Quốc hội sẽ giám sát tối cao vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: V.V.T |
Cấp phép cho Formosa 70 năm đúng hay sai?
Thiếu tướng Lương Xuân Cải (Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP) với tư cách một người lính nhiều năm tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, đã chứng kiến di hoạ của chất độc màu da cam dioxin, bày tỏ lo lắng về vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động của nhà máy Formosa Hà Tĩnh, “liệu có di hoạ cho thế hệ con cháu không”.
“Sự cố vừa qua ảnh hưởng đến 4 tỉnh, chúng ta phải ngăn chặn không để cho trường hợp tương tự xảy ra dọc ven biển Việt Nam. Môi trường là vấn đề lớn, ngoài ra sự cố còn khiến cho ngư dân không thể ra biển đánh cá, giảm khách du lịch. Đây là một việc đã sai, vậy sửa sai như thế nào? Việc cấp phép 70 năm đúng sai ra sao?”, ông Cải nói.
Trả lời cử tri Cải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chủ trương không phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào, bất chấp môi trường, không để tình trạng như Formosa Hà Tĩnh tái diễn. Nêu rõ Formosa Hà Tĩnh là bài học sâu sắc, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan bảo vệ môi trường phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không để lơi lỏng, khuyết điểm như vừa qua.
Về vấn đề cấp phép 70 năm cho Formosa Hà Tĩnh là đúng hay sai, Thủ tướng nói nếu xét theo quy định pháp luật là đúng, vì dự án có quy mô lớn và ở vùng đặc biệt khó khăn thì được ưu đãi 70 năm. "Không sai về luật nhưng sai về môi trường rất rõ ràng, họ đã cúi đầu nhận tội", ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Xuân Phi (Quận ủy Ngô Quyền) đề cập đến phát biểu của Thủ tướng là "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân", và mong muốn Thủ tướng làm rõ nội dung này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục đích cuối cùng của xây dựng Chính phủ kiến tạo là để phát triển bền vững đất nước, là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường sống của người dân. Công cụ kiến tạo của Chính phủ đang nắm trong tay chính là thể chế, hành động nhanh, chính xác, chắc chắn, không để xảy ra các lỗ hổng chính sách.
"Chính phủ kiến tạo phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, hướng vào phục vụ người dân chứ không phải chỉ nhằm vào quản lý", Thủ tướng nói và nhấn mạnh cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để người dân, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đề cập đến sự cố tin tặc tấn công sân bay vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều ý nghĩa là khi xảy ra sự cố thì người dân đã xếp hàng bình tĩnh. Trong lúc ngành hàng không phải giải quyết thủ tục bằng giấy viết tay, hành khách không ồn ào, không tranh giành. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, người lãnh đạo các cấp phải biết khơi dậy, phát huy sức mạnh tập thể.
Cũng trong phát biểu của mình, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh xây dựng, phát triển đất nước phải đi liền với bảo vệ tổ quốc. “Dân tộc Việt Nam đã đổ nhiều máu xương qua nhiều thế hệ để bảo vệ non sông đất nước. Chúng ta bình tĩnh xử lý các vấn đề nhạy cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở luật pháp quốc tế", Thủ tướng nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét