Trường Tiểu học số 1 Châu Hóa dọn bùn để sớm ổn định công tác dạy và học. Ảnh: Hoàng Táo |
Quảng Bình nước rút nhanh
Chiều 2/11, ở các huyện vùng lũ Tuyên Hóa, Minh Hóa, mưa đã ngừng, nước rút dần, người dân đang dọn rửa nhà cửa, quét bùn đất để ổn định cuộc sống.
Tại trường Tiểu học số 1 Châu Hóa (Tuyên Hóa), giáo viên, phụ huynh và nhân viên huyện ủy Tuyên Hóa đã tới cào bùn đất, rửa sạch bàn ghế để học sinh sớm trở lại trường. Thầy hiệu trưởng Trần Văn Thắng cho hay lũ khiến 10 phòng học tầng 1 và một số phòng chức năng bị ngập sâu 1,7 m.
Đợt mưa lũ trong 3 ngày qua khiến 18.000 ngôi nhà ở Quảng Bình bị ngập sâu 0,5-2,5 m, 3 người mất tích do lũ cuốn. Trong đó có một nữ sinh lớp 12 (trú xã Sơn Thủy, Lệ Thủy) mất tích vào sáng nay. Được cha chở bằng đò vượt lũ đi học, khi đến cánh đồng thôn Mỹ Hòa, sóng to khiến đò lật. Bốn nữ sinh đi cùng bám vào đò nên thoát nạn, trong khi em này bị nước xiết cuốn mất tích.
Nước lũ đã rút hơn một mét so với ngày 1/11. Ảnh: Đức Hùng |
Hà Tĩnh nhiều xã vùng rốn lũ vẫn ngập 1-2 m
Nước lũ tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ đã rút khoảng một mét so với chiều qua. Ở rốn lũ huyện Hương Khê, chiều nay trời mưa nhỏ, còn 7 xã với hơn 800 hộ dân vẫn bị ngập, trong đó một số xã ngập sâu 1-2 m, như: Phương Điền, Lộc Yên, Gia Phố, Phương Mỹ. Người dân phải di chuyển bằng thuyền, mọi sinh hoạt khá khó khăn.
Tại các huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên có hơn 300 nhà dân bị ngập sâu 0,5-1 m, một ngôi nhà ở xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) bị mưa gió làm sập đổ, các trục đường giao thông liên xã bị ngập nặng.
Một số hồ chứa thủy lợi ở Hà Tĩnh vẫn đang xả lũ điều tiết nước. 7h ngày 2/11, hồ chứa nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh địa bàn Tuyên Hóa, Quảng Bình) và xã Hương Trạch (Hương Khê) xả tràn với lưu lượng 329 m3/s.
Quảng Nam thủy điện đồng loạt xả lũ
Đúng 14h, thủy điện Đăk Mi 4 bắt đầu xả lũ. Ảnh: Trọng Ý. |
Đêm qua các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to. Tại xã Đại Lãnh (Đại Lộc) - được xem là rốn lũ của tỉnh Quảng Nam - tuyến đường ĐT 609 đoạn qua Cầu Khe Trên bị ngập sâu gần một mét, nhiều tuyến đường liên thôn bị chia cắt. Người dân phải dùng ghe, thuyền vận chuyển xe máy.
Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, cho biết từ chiều qua, nước lũ sông Vu Gia, sông Côn dâng mạnh. Hiện có 2 thôn bị chia cắt do lũ đổ về. "Đêm qua xã nhận được thông báo thủy điện sông Bung 4 xả lũ, sáng nay nhận được Sông Bung 4a và 11h trưa nay đến thủy điện Đăk My 4 xã lũ lúc 14h", ông Yến thông tin và cho biết thêm, chính quyền xã đã phát đi thông báo cho người dân qua hệ thống loa truyền thanh.
Theo ông Yến, xã Đại Lãnh nằm đầu nguồn sông Vu Gia và sông Côn. Trên hai lưu vực sông này, nhiều thủy điện được xây dựng. "Trước đây các nhà máy thủy điện xả lũ đột ngột khiến bà con trở tay không kịp. Giờ các nhà máy xả lũ từ từ nên không lo lắm. Tuy nhiên, chính quyền xã vẫn chủ động thông báo để bà con nắm được tình hình, đưa đồ đạc lên cao tránh gây thiệt hại", ông Yến nói.
Theo cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao nên từ ngày 2 đến 4/11 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, riêng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi 200-400 mm, có nơi trên 400 mm. Vì thế lũ các sông từ Quảng Trị đến Phú Yên sẽ lên báo động 1-2.
Nhóm phóng viên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét