Giải trình trước Quốc hội ngày 3/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ đã báo cáo về 5 dự án lớn thua lỗ, thời gian qua các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ nhưng "chưa đạt hiệu quả”.
Ngoài 5 dự án này, ông Tuấn Anh cho biết còn có một số dự án khác cũng đứng trước nguy cơ mất vốn, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Bộ Công Thương nỗ lực bằng nhiều cách không để thất thoát vốn Nhà nước và làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.
"Qua những dự án này bộc lộ lỗ hổng trong quản lý nhà nước, thể chế, vai trò của bộ chủ quản cũng như bộ quản lý quy trình thủ tục đầu tư... Do đó, rất cần làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý vốn Nhà nước thời gian tới", Bộ trưởng Công Thương nói.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Q.H |
Là đại biểu đã đăng đàn về thất thoát vốn Nhà nước tại 5 dự án nghìn tỷ trước đó, Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế Phùng Văn Hùng bày tỏ sự băn khoăn sau phần giải trình của Bộ trưởng Tuấn Anh, ông đặt câu hỏi: "Bộ Công Thương đã tính toán phương án để xử lý số dự án đắp chiếu hay chưa? Mong Bộ trưởng cho Quốc hội, công luận biết".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Công Thương sớm lập danh mục các dự án đầu tư đắp chiếu, có nguy cơ thua lỗ mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu tại phần giải trình. "Phải rạch ròi số này ra, vì thua lỗ một ngày, một tháng rồi một năm cộng lại thì sẽ là số vốn thất thoát rất lớn. Trong khi người dân tại những vùng sâu, vùng xa lại đang cần Nhà nước đầu tư", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tranh luận về thuỷ điện
Về chính sách phát triển các dự án điện thời gian qua, Bộ trưởng Tuấn Anh cho hay điểm nghẽn môi trường tại các dự án nhiệt điện không phải do công nghệ lạc hậu, khi hầu hết các nhà máy này đều sử dụng công nghệ của các nước G7, mà nằm ở phần thiết bị. "Các nhà thầu, tổng thầu đã không chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật môi trường", Bộ trưởng nói.
Trước phản ánh một số dự án thuỷ điện vừa qua không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ, gây thiệt hại cho vùng hạ du, người đứng đầu ngành công thương khẳng định thuỷ điện là lĩnh vực cơ quan này cố gắng đảm bảo "lợi ích của nhân dân, sự phát triển hài hoà của xã hội, nhất là các vùng bị tác động".
Đăng ký tranh luận, đại biểu Nguyễn Thái Học thẳng thắn: “Bộ trưởng nói quá trình đầu tư, vận hành các thủy điện đều đúng pháp luật, đúng quy trình là chưa thoả đáng”.
Dẫn chứng việc tích nước, xả lũ của thủy điện được nhiều địa phương phản ánh chưa đúng quy định, ông Học đặt câu hỏi: "Lũ lụt miền Trung đặt ra câu hỏi việc vận hành thủy điện có đúng quy trình và quy định không? Các thủy điện đã làm tốt chức năng cung cấp nước vào mùa khô hạn, tích nước vào mùa mưa để hạn chế lũ lụt chưa?”.
Ông Học cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Tuấn Anh nói đời sống người dân các vùng triển khai thủy điện, sau khi tái định cư được đảm bảo, vì thực tế nhiều nơi số hộ nghèo chiếm tới 30%, thậm chí là 80%.
5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản 1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; 2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; 3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; 4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét