Sáng 3/11, hai huyện rốn lũ Tuyên Hóa và Minh Hóa nước đã rút hết, để lại cảnh tiêu điều. Dọc hai bên đường bê tông liên thôn ở xã Châu Hóa (Tuyên Hóa), nhiều bụi tre đường kính 2-3 m bị lũ xoáy bật gốc, nằm nghiêng trơ rễ. Con đường thi thoảng lại bị tróc mảng bê tông.
Tại trường Tiểu học số 1 Châu Hoá, bùn đất đã được dọn sạch, nhưng vẫn ẩm. Trên gờ tường phòng học in rõ vết nước của cả 2 trận lụt. Thầy hiệu trưởng Trần Văn Thắng cho hay đợt lũ làm 10 phòng học và phòng chức năng ngập 1,7 m. Rút kinh nghiệm, nhà trường chuyển nhiều vật dụng dạy học lên tầng 2, chỉ còn một số bàn ghế, tủ bị ướt.
Nửa tháng liên tiếp 2 trận lụt, thầy Thắng nói cả thầy cô, học trò và phụ huynh đều mệt mỏi. "Phải thay đổi kế hoạch học tập, dạy bù cho kịp chương trình. Chỉ sợ vài ngày tới, trời mưa tiếp nên học sinh chưa thể tới trường", thầy Thắng nói.
Sau lũ, cảnh vật tiêu điều, nhiều bụi tre lớn ở Châu Hóa bị nước xoáy bật gốc trong lũ. Ảnh: Hoàng Táo |
Do căn nhà cấp 4 với hai gian xập xệ, chị Ngô Thị Hương (thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa) phải tránh lũ nhờ nhà hàng xóm. Hết lũ, trở về nhà, chị thất thần khi thấy trước cửa là đống củi to án ngữ, nhà bếp bị xé toang, bàn ghế, tủ giường nằm ngả nghiêng, đầy bùn.
Chị Hương phải nhờ 2 người hàng xóm sang phụ giúp mới dọn xong phần nào bề bộn. Đến trưa, chị sang nhà hàng xóm nấu chung nồi cơm vì bếp nhà đã tan hoang, “đến cái kiềng bếp cũng không còn, nhà giờ không còn gì đáng giá”. Vườn nhà chị Hương nằm ngay xoáy nước nên củi gỗ trôi về, bẻ gãy hết chuối.
Tương tự, 2 trận lũ vừa rồi cuốn trôi mất của bà Mai Thị Đào (77 tuổi, thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa) 50 con gà. Bà Đào sống với người chồng tai biến, trong đêm mưa một mình bà ra chuồng gà bắt vội được ít con nhốt vào lồng đưa lên chỗ cao, nhưng vẫn bị lũ cuốn mất.
“Hai ông bà nương tựa vào nhau, con cái ở xa, cuộc sống hàng ngày trông chờ vào đàn gà đẻ”, bà Đào nói. Sau lụt, 2 con trai và 15 đứa cháu nội ngoại về nhà hỏi thăm. Bà nói dù buồn nhưng nhờ lụt mà hai ông bà gặp được con cháu đông vui như vậy.
Trời hết mưa, bà Mai Thị Quế mang hai thúng gạo ướt sũng ra trước sân, đảo qua lại. Sau trận lụt 2 tuần trước, bà Quế được nhiều đoàn cứu trợ 50 kg gạo, nay đều trôi và ướt hết. “Phơi thế này chứ không ăn được, chưa biết dùng làm gì đây. Khổ cực lắm, già cả rồi mà lụt liên miên, tôi không chạy kịp”, bà Quế nói.
Bà Quế được cứu trợ 5 yến gạo thì phần trôi, phần ướt sũng nước. Cháu gái bà bị gãy tay khi chạy lụt. Ảnh: Hoàng Táo |
Thiệt hại nặng nhất thôn Thanh Châu (Châu Hóa) là nhà chị Mai Thị Lệ có con bò mẹ chết trong lũ, bò con do uống nước nên trương bụng, chưa biết có trụ được không. Nhà có 9 người, nhưng chỉ chị Lệ là lao động chính, chồng mắc bệnh nằm nhà. “Vẫn chưa biết những ngày tới sẽ sinh sống thế nào đây”, chị Lệ thở dài, tay liên tục trở rơm hơ lửa sưởi ấm cho con ghé, hy vọng vớt lại chút tài sản.
Còn chị Nguyễn Thị Liên (xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch) ngay khi nước rút đã ra vườn ươm giống tràm, tưới nước hy vọng cứu được cây nào mừng cây đó. “Tưới thế này chứ biết không sống được mấy cây”, chị Liên bộc bạch. Mắt thâm quầng vì thức dọn đồ, trông nước lũ, chị Liên nói đợt lụt trước làm chết 7 luống giống, mất gần 20 triệu đồng, chưa kịp làm đất gieo lại thì lụt khác lại tới.
Hai con học đại học ở TP HCM, một đứa học lớp 10 ở huyện, chị Liên bảo đã vay trăm triệu nuôi con ăn học, trông chờ hết vào vườn ươm. Giờ trắng tay, phải gieo lại 6 tháng nữa mới xuất bán.
Ông Cao Xuân Tín, Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho hay trận lụt vừa qua khiến huyện thiệt hại nặng nề, gần 6.000 hộ bị ngập, nhiều công trình hạ tầng, đường giao thông bị hư hại. “Khó nhất là khôi phục cuộc sống người dân sau lũ, cố gắng sửa chữa hạ tầng”, ông Tín nói.
Mưa liên tục từ 30/10 đến 1/11 khiến nhiều huyện, thị xã Quảng Bình ngập nặng, 18.000 ngôi nhà ngập từ 0,5 đến 3 m, 3 người mất tích. Hai tuần trước, tỉnh hứng chịu trận lụt kỷ lục, khiến 92.000 ngôi nhà bị ngập, 21 người chết.
Hoàng Táo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét