Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Người phát ngôn Chính phủ). |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới.
- Thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Chính phủ kiến tạo được hiểu như thế nào?
- Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp này. Chính phủ kiến tạo trước hết phải tập trung hoàn thiện thể chế; rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng cắt giảm rào cản, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các phiên họp Chính phủ sau đó luôn đặt nhiệm vụ xây dựng thể chế lên đầu tiên, rồi mới bàn cụ thể các vấn đề kinh tế-xã hội. Cùng với đó, Chính phủ kiến tạo phải chuyển mạnh hơn từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng thường nhắc chúng tôi rằng, cán bộ làm gì người dân đều biết, do vậy phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm dù trong bất cứ trường hợp nào.
Tôi đơn cử một chuyện, đó là Thủ tướng chỉ đạo trong dịp năm mới, các địa phương không được lên Trung ương chúc Tết thành viên Chính phủ, không phong bao, phong vì và ở các địa phương cũng tương tự như vậy. Thủ tướng nói điều này rất rõ ràng và dứt khoát. Làm được như vậy, sâu xa chính là góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính.
- Quyết tâm của Chính phủ như vậy, nhưng làm sao để cả bộ máy hành chính chuyển mạnh hơn theo hướng phục vụ người dân, thưa ông?
- Việc này đòi hỏi phải làm đồng bộ nhiều giải pháp, có lộ trình, tuy nhiên không có nghĩa chờ đợi. Điều đầu tiên là phải "xông vào việc" một cách chủ động, sáng tạo. Trong chỉ đạo, điều hành chiến lược, vĩ mô thì phải có trọng tâm, trọng điểm, nghĩa là xác định ưu tiên. Còn đối với những việc cụ thể thì không phân biệt to, nhỏ. Tinh thần là những gì liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp thì đều là việc to.
Khi dư luận “nổi sóng” với vụ quán cà phê Xin Chào ở TP HCM. Thủ tướng đã có ngay chỉ đạo xử lý chứ không chờ cơ quan chức năng tham mưu. Hoặc trong vụ thanh tra giao thông hành hung nhân viên hàng không, Thủ tướng cũng có ý kiến. Nhiều người điện cho tôi nói “việc nhỏ thế này mà Thủ tướng cũng chỉ đạo”. Tôi trả lời ngay “đừng nói như vậy, nếu đó là người nhà của anh thì việc này là nhỏ hay to?”. Muốn phục vụ người dân thật tốt thì phải đặt mình vào vị trí của dân, nếu anh đứng trên hay đứng ngoài thì không được.
Ông Mai Tiến Dũng kiểm tra chất lượng hải sản tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo |
"Kiểm tra mà đóng cửa bảo nhau thì còn gì là minh bạch"
- Ông là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng. Tổ này có vai trò như thế nào trong việc đưa thông điệp nêu trên của lãnh đạo Chính phủ vào cuộc sống?
- Mục đích chính của Tổ công tác là kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng giao cho các bộ ngành địa phương. Khi chúng tôi đến các bộ ngành, địa phương làm việc, đều rất công khai, mời báo chí tham dự đầy đủ. Chính tôi chịu sức ép rất lớn về điều này. Một số Bộ trưởng nói "sao có nhiều báo chí thế", tôi trả lời "tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch, kiểm tra mà đóng cửa bảo nhau thì còn gì là minh bạch". Mới đầu anh em chưa quen với viêc này, cũng không đơn giản.
Trong 5 tháng qua, cùng với việc kiểm tra tại 13 bộ ngành, địa phương, Tổ công tác đã tiến hành một số cuộc làm việc chuyên đề do Thủ tướng trực tiếp yêu cầu. Qua đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao có chuyển biến rõ nét. Từ tháng 8 đến tháng 12/2016, số nhiệm vụ quá hạn giảm 16,2% so với thời điểm 31/7 - thời điểm trước khi Tổ công tác được thành lập.
- Ngoài chuyện "mời nhiều báo chí", ông còn chịu sức ép nào khác?
Chúng tôi đến làm việc với các bộ ngành, địa phương thì không phải cấp trên xuống. Tổ trưởng Tổ công tác và lãnh đạo các bộ đều có vị trí như nhau, do vậy trong công việc phải đúng vị thế, đúng mực, làm sao để các bộ ngành, địa phương chia sẻ rằng đây là vì công việc chung.
Ban đầu, anh em trong Tổ công tác cũng có những ngại ngần. Tôi quán triệt cứ nghiêm túc làm việc, công tâm, trung thực. Không phải đi kiểm tra trước mặt thì nịnh, ra ngoài gặp cơ quan báo chí lại né tránh. Kiểm tra mà làm thế, không ai tin cả.
"Không đánh võng" với báo chí
- Một nhiệm vụ khác ông đang đảm nhiệm - Người phát ngôn Chính phủ, cũng được cho là chịu nhiều sức ép khi phải trả lời những câu hỏi nóng từ dư luận và báo giới. Ông nghĩ sao?
- Tôi có nghe nói ở vị trí Người phát ngôn Chính phủ thì "sợ" nhất là phải làm việc thường xuyên với báo chí. Nhưng tôi quan niệm là cởi mở, thông tin thẳng thắn, không biết thì nói không biết, nếu nói sai xin lỗi, tuyệt đối không "đánh võng".
Trước đây họp báo Chính phủ hàng tháng không trực tuyến, nhưng bây giờ đưa lên mạng xã hội, người dân có thể tiếp cận được ngay. Mục tiêu của Chính phủ là làm sao để thông tin đến người dân nhanh nhất, đúng nhất.
Khi vừa nhậm chức, có người khuyên tôi “ông phải xây dựng hình ảnh”, tôi gạt đi ngay. Mình không thể làm thế, mà phải luôn là mình chứ.
- Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh.Ông tự tin như thế nào với những nỗ lực của mình?
- Làm việc mà chỉ nghĩ nay mai bỏ phiếu thì không thể làm được. Sống và làm việc bằng cái tâm là tốt nhất. Khi nhận nhiệm vụ từ địa phương lên, tôi lo lắm chứ. Nhưng đã vào vị trí thì phải đúng chức năng, đúng vai, không né tránh. Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu não tham mưu cho Thủ tướng, kết nối các bộ, ngành, địa phương mà không rõ quan điểm, đường lối, không có bản lĩnh thì sẽ tạo ra sự trì trệ. Trong công việc không tránh khỏi va chạm, nhưng mình vì cái chung thì mọi người sẽ hiểu và chia sẻ.
Anh Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét