Bưởi da xanh là một trong những loại quả đặc sản của Bến Tre. Những năm gần đây, nhiều nhà vườn của xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đốt bỏ diện tích đất trồng nhãn, cam sành sang trồng chuyên canh bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Giống bưởi da xanh ruột đỏ đặc sản của vùng Bến Tre. Ảnh: dacsanbonphuong. |
Để ươm trồng bưởi da xanh, đầu tiên, người nông dân phải lựa chọn cây giống sạch bệnh, cho quả ngon để chiết cành và trồng nhân giống. Các luống cây được phân lô để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phân bón chủ yếu cho cây bưởi là NPK. Mỗi tháng, người dân bón một lần với hàm lượng khoảng 200gam mỗi gốc. Các loại phân hữu cơ hoặc mụn dừa cũng được bón bổ sung khoảng 30 bao cho mỗi công đất. Toàn bộ lượng nước dùng cho tưới tiêu đều phải qua kiểm định, đảm bảo đạt tiêu chuẩn, không nhiễm hóa chất.
Để tạo ra những quả bưởi sạch tiêu chuẩn VietGAP, bà con Quới Sơn không sử bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Thay vào đó, người dân chủ yếu nuôi kiến vàng, kiến cao cẳng, kiến hôi... để chúng ăn trứng sâu và tấn công bướm, rệp.
Đến mùa thu hoạch, nông dân dùng dụng cụ cắt hái chuyên dụng để cắt quả cho vào sọt chứ không để bưởi dưới đất hay đặt cạnh những quả bị hư, hỏng.
Những quả bưởi được bọc vỏ cẩn thận. Ảnh: dacsanduaxiembentre. |
Tiếp đến, bưởi da xanh được đưa tới nhà xưởng để sơ chế và đóng gói. Những quả không đạt trọng lượng chuẩn, hình thức xấu sẽ bị loại bỏ. Khi bước vào khu xử lý, từng quả bưởi sẽ trải qua 4 công đoạn: rửa bằng nước, chà bụi bẩn, sấy khô, bọc quả. Do vậy, bưởi da xanh luôn sạch khuẩn và thời gian giữ tươi có thể lên tới 2 tháng mà không cần sự can thiệp của thuốc bảo quản.
Sau khi bọc vỏ, trên mỗi quả đều được dán tem có in tên cơ sở sản xuất bưởi da xanh nhằm giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cuối cùng, từng quả bưởi được đóng trong những chiếc thùng sạch và đem đi tiêu thụ khắp các tỉnh, tới cả các thị trường lớn như Đức, Canada, Trung Đông...
Nhờ một phần góp sức của những quả dưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP mà con đường hội nhập của trái cây Việt Nam ngày càng rộng mở, giúp nền nông nghiệp nước nhà có những bước tiến xa hơn.
Quỳnh Phạm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét