12h30 ngày 28/2, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Vũ Văn Viện đã có mặt tại Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ để đối thoại với các nhà xe phản đối lệnh điều chuyển luồng tuyến đang tập trung tại đây.
Ôtô của các nhà xe xếp hàng dài tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Quang Chiến |
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, nhà xe đã phục vụ hành khách ở bến Mỹ Đình nhiều năm nay, tuy nhiên mới đây Hà Nội chuyển họ xuống bến Nước Ngầm. "Chúng tôi chấp hành, nhưng sau 2 tháng hoạt động chỉ được 2, 3 khách", vị này nói.
Cạnh đó, ông Phạm Văn Tuyên, chủ nhà xe tuyến Nam Định-Hà Nội phản ánh “riêng nhà xe của tôi mỗi tháng lỗ 18-20 triệu/xe, trong khi chúng tôi có 16 xe. Các nhà xe khác lỗ 30-40 triệu đồng/xe/tháng”.
Chủ một nhà xe khác nêu câu hỏi: “Đề nghị Sở Giao thông Hà Nội trả lời rõ điều chuyển xe khách là do tắc đường hay lợi ích cá nhân? Tắc đường có phải do xe khách hay không? Cần xem xét lại vấn đề điều chuyển luồng tuyến”.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội gặp gỡ đại diện các nhà xe trên cao tốc. Ảnh: Quang Chiến |
Trước việc nhiều nhà xe tập trung ở trạm thu phí, ông Vũ Văn Viện cho rằng Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến cao tốc có lưu lượng giao thông rất lớn, các doanh nghiệp đỗ xe ở đây sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. "Tôi tin rằng việc làm này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của các doanh nghiệp”, ông Viện nói và cho hay Thủ tướng đã văn bản chỉ đạo Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với Hà Nội để đối thoại với các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng trước 10/3.
“Tôi đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và các quy định pháp luật. Việc làm hôm nay của các doanh nghiệp là không đúng quy định. Chúng ta có quyền khiếu nại, kiến nghị nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật”, ông Viện nêu quan điểm.
Lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội cũng cho biết, Sở đã báo cáo với Chủ tịch Hà Nội, Bộ Giao thông các vấn đề liên quan, và Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường sẽ làm việc với các nhà xe vào chiều mai (1/3).
“Chủ trương của Hà Nội phân luồng tuyến là để đảm bảo lợi ích chung, giảm ùn tắc giao thông. Chúng tôi ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp ở giai đoạn đầu điều chuyển luồng tuyến, nhiều khách hàng chưa quen, và đang tìm phương án tốt nhất”, ông Viện nói.
Đến 15h, các nhà xe vẫn tập trung ở Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Các nhà xe mang theo bánh mỳ để ăn trưa khi dừng đỗ trên cao tốc. Ảnh: Quang Chiến |
Sáng cùng ngày, khoảng 50 xe khách tuyến Nam Định, Thái Bình tập hợp thành từng đoàn, từ chối chở khách, đi xe không tải về Hà Nội. Đoàn xe chủ yếu là loại 45 chỗ, nối đuôi nhau thành hàng dài trên quốc lộ hướng về phía Hà Nội.
Lý do được một số nhà xe đưa ra là để phản đối lệnh điều chuyển tuyến vận tải của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Đến 10h, đoàn xe bị chặn tại trạm thu phí km 188 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Lãnh đạo Đội 7, Phòng tuần tra kiểm soát (Cục CSGT) cho biết, sau khi nhận được đề nghị phối hợp với các lực lượng chức năng của TP Hà Nội, đơn vị đã huy động hành chục cán bộ, chiến sỹ đứng chốt tại các điểm, nút giao thông và trạm thu phí trên cao tốc để hạn chế đoàn xe đi vào trung tâm thành phố, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Từ 2/1, Hà Nội điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, về bến xe Nước Ngầm. Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, về bến xe Mỹ Đình. Các tuyến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, về bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, về bến xe Gia Lâm. |
Quang Chiến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét