Gần 100 xe khách tuyến Nam Định, Thái Bình đã tập hợp thành từng đoàn, đi xe không tải về Hà Nội trong ngày 28/2, để phản đối lệnh điều chuyển luồng tuyến của TP Hà Nội.
Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội cho biết chiều nay (1/3), đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông và Sở sẽ đối thoại với các nhà xe để giải quyết. Đây là sự việc có quá trình từ năm 2015 và diễn biến "nóng" kể từ đầu năm nay.
Cụ thể vào tháng 6/2015, Bộ Giao thông ban hành Quyết định 2288 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2030. Trong đó, bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh, thành vào các bến xe Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông.
Các tuyến theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng Quốc lộ 32, cầu Thăng Long đi vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng Quốc lộ 1, đường Cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát.
Đến tháng 10/2015, Bộ Giao thông có quyết định 3848 điều chỉnh quyết định 2288, xác định việc bố trí luồng tuyến là "ưu tiên".
Trong hai quyết định này đều nêu rõ, đối với các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên "giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020", chỉ tăng cường vào các dịp lễ, Tết.
Nhà xe ở bến Mỹ Đình tập trung phản đối việc chuyển xe sang bến mới. Ảnh: Bá Đô |
Đến cuối năm 2016, Sở Giao thông Hà Nội có thông báo điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh, áp dụng từ 2/1. Theo lãnh đạo Sở Giao thông, một trong những mục tiêu quan trọng của việc điều chuyển luồng tuyến là để giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô; lệnh điều chuyển này có hiệu lực với cả các phương tiện đang hoạt động ở bến xe Mỹ Đình.
“Căn cứ để điều chuyển là quy hoạch của Bộ Giao thông. Nếu doanh nghiệp thấy thực hiện không đúng có thể kiện Sở”, lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội nói trong cuộc gặp các nhà xe ngày 31/12/2016.
Về phía các doanh nghiệp vận tải cho rằng việc thay đổi đầu bến từ Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm đối với các tuyến Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của họ, vì lượng khách ở Mỹ Đình đông đảo hơn nhiều so với khu vực phía Nam.
Trong thực tế, sau khi chuyển sang bến xe mới, tình hình kinh doanh của các nhà xe tại bến Nước Ngầm sa sút nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Tuyên, chủ nhà xe tuyến Nam Định - Hà Nội phản ánh: “Mỗi xe xuất bến chỉ có 2-3 khách, riêng nhà xe của tôi mỗi tháng lỗ 18-20 triệu/xe, trong khi chúng tôi có 16 xe. Các nhà xe khác lỗ 30-40 triệu đồng/xe/tháng”.
Do vắng khách nên nhiều nhà xe hoạt động cầm chừng, một số đơn vị trả phù hiệu xe khách và tự hoạt động theo hình thức xe dù hoặc xe hợp đồng ngoài bến, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Nhà xe Thái Bình, Nam Định đưa xe chạy rỗng phản đối quy định điều chuyển ngày 28/2. Ảnh: Anh Duy |
Với hành khách, nhiều người cho rằng việc điều chuyển tuyến xe gây khó khăn cho họ, vì phải di chuyển quãng đường xa đến các bến xe, trong khi vận tải khách công cộng chưa thuận lợi và quy định không cho mang hành lý cồng kềnh lên xe buýt.
Tình trạng vắng khách tại một số bến xe Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán cho thấy đã có những hành khách quay lưng với loại hình vận tải liên tỉnh này.
Mặc dù vẫn còn nhà xe chưa đồng tình với lệnh chuyển bến, nhưng trong cuộc họp sơ kết về nội dung này chiều 13/2, lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội cho hay với kết quả chỉ còn 5/630 nốt tuyến chưa điều chuyển, đây là “thành công quá lớn, đạt tỷ lệ hoàn thành trên 99%”.
Ít ngày sau cuộc họp sơ kết này, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông và UBND thành phố Hà Nội họp với các doanh nghiệp, xem xét việc điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến, báo cáo Thủ tướng trước 10/3. Đến ngày 28/2 thì diễn ra việc gần 100 xe khách rồng rắn về Hà Nội như nêu trên.
Các nhà xe tập trung trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 28/2
5 bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội đang hoạt động với 668 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, tần suất 140.000 chuyến/tháng. Trong đó, lớn nhất là bến xe Mỹ Đình với 47.760 chuyến/tháng.
Sau ngày 2/1, đã có gần 700 nốt xe với 20.396 chuyến/tháng bị điều chỉnh ở 3 bến xe lớn Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Việc điều chỉnh phương tiện ở bến xe Mỹ Đình đã ảnh hưởng, gây xáo trộn lớn đến doanh nghiệp và người dân.
Không chỉ các doanh nghiệp phản ứng mà các Sở Giao thông Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Tĩnh… đã có kiến nghị xin tạm dừng điều chỉnh luồng tuyến vận tải liên tỉnh tại Hà Nội.
Mặc dù đồng thuận với chủ trương giảm áp lực giao thông cho Hà Nội, song nhiều ý kiến đề xuất giữ nguyên hiện trạng luồng tuyến đang hoạt động; chỉ điều chỉnh các tuyến mở mới.
Với các trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh, cơ quan quản lý cần có lộ trình và thông báo rộng rãi để thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư phương tiện và phục vụ hành khách.
Đoàn Loan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét