Sáng 29/3, Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiều vấn đề cử tri còn bức xúc đã được các đại biểu truyền đạt.
Chạy ai? Ai chạy?
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết dư luận đang râm ran tình trạng chạy chức, chạy quyền. "Vì sao người ta cứ chạy và vì sao người ta chạy được" là hai câu hỏi lớn mà cử tri cả nước đã hỏi suốt nhiệm kỳ, đến nay chưa có lời giải đáp.
Theo ông Đương phải đánh giá lại xem có hay không việc chạy chức, chạy quyền vì nó không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng; bởi vì họ mua, bán xong phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra đó là quy luật thị trường.
"Chúng ta cứ nói đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhưng vì nhạy cảm, phức tạp nên phải làm, bởi vì nó nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ", ông Đương nói.
Vị đại biểu TP HCM cho rằng, một cơ thể nhiều virus xâm hại chính thể như thế phải bắt họ uống thuốc. Tiếc rằng trong Bộ luật hình sự không đưa tội mua, bán chức quyền vào dù ông đã nhiều lần đề nghị. "Bây giờ chỉ có Bộ Chính trị mới nghĩ ra những quyết sách để giải quyết vấn nạn trên, phải coi như tấn công tội phạm thì mới đạt được hiệu quả", ông Đương góp ý.
Đại biểu Đỗ Văn Đương. |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng nhấn mạnh, cử tri và nhân dân rất bức xúc, thường xuyên kiến nghị Chính phủ quan tâm, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp.
"Gần đây Tổng bí thư nêu một khái niệm là chạy luân chuyển. Điều đó có nghĩa cứ chính sách gì mới là chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết. Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế gắn trách nhiệm cho người đứng đầu. Chính vì thế, câu hỏi Chạy ai?, Ai chạy? chúng ta chưa trả lời được", ông Phương trăn trở.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị nhưng Chính phủ có vai trò chủ công.
"Nhiệm kỳ vừa qua cử tri cho rằng nếu Thủ tướng sớm kỷ luật vài vụ thì tình hình có thể cải thiện hơn, không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa. Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây cần cải cách điều hành, Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ", ông Nghĩa góp ý.
Dừng xe trước đèn đỏ bị gọi 'thằng hâm'
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lo lắng về vấn đề về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân vì theo ông, so với thời bao cấp ý thức đã đi xuống đến mức báo động. Vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng, xả rác, gây mất trật tự nơi công cộng, làm ăn chộp giật... đến vi phạm nội quy lao động, kỷ luật cơ quan diễn ra phổ biến.
"Điều vô cùng nguy hiểm là nhiều khi việc không tuân thủ pháp luật được coi là rất bình thường. Thậm chí người chấp hành pháp luật dừng xe khi có đèn đỏ bị gọi là thằng hâm", ông Cường nói.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường. |
Theo ông, không tuân thủ pháp luật từ những việc đơn giản đã tác động đến ý thức ở nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, lỗi không chỉ của người vi phạm mà còn là yếu kém trong quản lý nhà nước. Ông Cường cho rằng nếu chỉ có tuyên truyền, treo pano, dán áp phích thì không đủ. Pháp luật cần đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn, tránh những quy định khó đi vào thực tiễn và làm mất quyền uy của văn bản pháp luật như quy định người dân quên gạt chân chống xe máy có thể bị phạt vài triệu đồng, hoặc thông tư buộc xe ô tô con phải có bình chữa cháy...
"Đừng để kẻ côn đồ không đội ngũ bảo hiểm đi ngược chiều ngang nhiên vượt đèn đỏ không bị xử phạt còn người hiền lành chỉ cần lấn làn là bị xử phạt nặng; hay vi phạm giao thông nhưng không truy đuổi vì lý do an toàn nhưng cũng không truy tìm thì sẽ càng khuyến khích hành vi chống đối người thi hành công vụ", ông Cường đề xuất.
Yêu cầu Chủ tịch nước giải thích việc bổ nhiệm, phong hàm
Đại biểu Phạm Xuân Thường nêu một vấn đề được nhiều người dân băn khoăn, đó là việc phong hàm cho các tướng lĩnh quân đội, công an ở thời bình. Theo ông Thường, một trong những nhiệm vụ của Chủ tịch nước là phong các hàm, cấp trong cấp tướng.
"Thời gian vừa qua, cử tri có ý kiến rất nhiều là tại sao trong thời gian chiến tranh chúng ta có đến hơn một triệu quân chính quy, nhưng số lượng cấp tướng trong lực lượng vũ trang chỉ 72 người cho đến kết thúc thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Nhưng hiện nay chúng ta có khoảng 400 cấp tướng. Cử tri cho rằng như vậy là quá nhiều, tôi không khẳng định đấy là nhiều hay ít bởi còn phụ thuộc vào sự chính quy của quân đội. Nhưng tôi nghĩ rằng trong báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng cũng nên giải thích chỗ này", ông Thường nói.
Nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã ký đặc xá 33.999 người, theo đại biểu Thường, đây chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước được nhân dân nhất trí. Tuy nhiên, ông đề nghị đánh giá xem hoạt động này hiệu quả đến đâu, trong số những người được đặc xá thì bao nhiêu trường hợp tái phạm.
"Chúng ta nhân đạo thì đúng rồi, nhưng nếu người đó chúng ta tha không đúng, ra ngoài xã hội gây hại cho nhiều người có nghĩa chúng ta không nhân đạo với nhiều người. Đây là một nội dung hết sức quan trọng, chúng tôi đề nghị Chủ tịch nước bổ sung số liệu cụ thể về vấn đề này", ông Thường góp ý.
Hoàng Thuỳ - Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét