Độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và thuỷ triều đỏ là hai nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt, Bộ Tài nguyên thông báo.
Theo thông báo, cuộc họp báo bắt đầu lúc 19h chiều 27/4, nhưng phải một tiếng sau Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân mới bắt đầu.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Ảnh: Giang Huy. |
Ông Nhân cho biết, để truy tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung, lần đầu tiên liên bộ Tài nguyên, Nông nghiệp, Công Thương..., 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu hàng đầu đã phối hợp điều tra. Chiều 27/4 là cuộc họp đầu tiên của nhà chức trách, nhà khoa học và 4 địa phương. Trong cuộc họp này có cả sự tham gia của nhà khoa học đến từ Tokyo, Nhật Bản.
"Vấn đề rất phức tạp, xảy ra nhiều nơi trên thế giới, người dân cần biết nguyên nhân là yêu cầu chính đáng. Song cần có thời gian kiểm tra, kiểm nghiệm để đưa ra kết quả chính xác. Có trường hợp phải mất nhiều năm để tìm ra nguyên nhân”, ông Nhân nói và cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mỗi công dân có trách nhiệm đồng hành cùng cơ quan nhà nước tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý cá chết.
Nhà chức trách chưa tìm ra mối liên hệ giữa Formosa và hiện tượng cá chết trên biển. Ảnh: Đức Hùng. |
Theo Thứ trưởng Nhân, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận về kết quả nghiên cứu, phân tích trong những ngày qua và đưa ra nhiều ý kiến xác đáng. Sau khi loại trừ nhiều yếu tố, tất cả đi đến thống nhất nhận định sơ bộ, có hai nhóm nguyên nhân:
Một là do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Hai là do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ.
"Qua kiểm tra chưa có bằng chứng kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định", ông Nhân nói.
Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể hiện tượng cá chết hàng loạt và có các giải pháp ứng phó lâu dài với các thảm họa tương tự, ông Nhân cho rằng cần tổ chức nghiên cứu làm rõ hai nhóm nguyên nhân trên. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để nghiên cứu. Nếu cần thiết, Bộ sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức khoa học quốc tế để kiểm chứng.
Trong thời gian sớm nhất, Bộ Nông nghiệp sẽ cung cấp kết quả phân tích độc tố và đưa ra khuyến cáo về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước ven bờ, có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển.
Sau đúng 10 phút thông tin, ông Nhân kết thúc cuộc họp báo. Cả hội trường rộng khoảng 200 m2 với hàng trăm phóng viên tham dự nhốn nháo vì không một ai được đặt câu hỏi.
Phòng họp 200 m2 có hàng trăm báo chí tham dự. Ảnh: Giang Huy. |
Trước đó từ 14h chiều 27/4, đại diện của 7 bộ gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam và lãnh đạo 4 tỉnh ven biển đã có cuộc họp kín kéo dài 5 tiếng về nguyên nhân cá chết. Người dân hy vọng sau cuộc họp này, nhà chức trách đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết để tránh hoang mang dư luận.
Từ đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ. Ngoài ra còn có cá nuôi lồng bè, cá hồ ven biển bị thiệt hại.
Các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân. Ngày 25/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu đều bị loại trừ.
Tảo biển dạt bờ ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng |
Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân khiến cá chết. Tuy nhiên, độc tố đó là gì thì chưa được xác định. Mọi nghi vấn đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Khu công nghiệp Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) do có đường ống xả thải chôn ngầm dưới biển, gần đây lại nhập hàng trăm tấn hóa chất độc hại về súc rửa đường ống.
Chiều 26/4, liên quan đến vụ cá chết, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Khu công nghiệp Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã tổ chức họp báo để xin lỗi sau phát ngôn gây sốc của phó phòng đối ngoại Chu Xuân Phàm rằng phải lựa chọn giữa cá và nhà máy. Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định hệ thống nước thải với kinh phí tổng cộng là 45 triệu USD "rất hiện đại", được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Thủy triều đỏ nguy hiểm thế nào?
Ngày 27/4, trước việc một số nơi ngư dân thu mua cá chết, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công điện yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chỉ đạo cơ quan chức năng thu gom, xử lý hết, kịp thời số lượng thủy, hải sản chết (bao gồm thủy, hải sản nuôi trồng và tự nhiên) bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Nghiêm cấm việc tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy, hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các tỉnh thực hiện ngay công tác thanh kiểm tra những mặt hàng thủy, hải sản dùng làm thực phẩm cho người, nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm. |
Nhóm phóng viên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét