Trung tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ có hiệu lực từ 1/8, người tham gia giao thông bị xử phạt trong 3 trường hợp không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, gồm: vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ và đèn xanh phương tiện không đi.
"Cả ba trường hợp vừa nêu bị phạt như nhau, và nội dung này được quy định từ trước chứ không phải mới có trong nghị định 46", trung tá Nhật nhấn mạnh.
Đèn tín hiệu chuyển sang vàng, nhưng một số người vẫn không dừng lại trước vạch dừng. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Luật giao thông đường bộ 2008 đã quy định đèn tín hiệu giao thông có ba màu, đèn xanh là được đi, đỏ là cấm đi, và tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy thì được đi, nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Trung tá Nhật giải thích, trường hợp ai đó cho rằng “vượt đèn vàng” được phép hoặc nếu vi phạm chỉ bị nhắc nhở… là cách hiểu không đúng. Theo quy định, khi thấy đèn vàng, phương tiện phải giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đèn xanh và phương tiện đã vượt qua vạch dừng, đang trong khu vực nút giao ngã ba, ngã tư… thì khi đèn chuyển vàng phương tiện tiếp tục đi theo hướng đã định.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng cho rằng, quy định nêu trên hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp với quy định của quốc tế và đã áp dụng từ năm 2008 đến nay. Điểm mới duy nhất trong Nghị định 46 là tăng mức xử phạt để răn đe.
Trước ý kiến cho rằng nếu xử phạt vượt đèn vàng, đèn đỏ như nhau thì không cần đèn vàng, đại tá Đào Thanh Hải (Phó giám đốc Công an TP Hà Nội) nói: "Ở đây là các bước dự lệnh và động lệnh, phải có sự báo trước chứ không thể đột ngột đang từ đèn xanh chuyển sang đèn đỏ ngay, phương tiện sẽ rối loạn. Phải có giai đoạn dự lệnh để mọi người hiểu đang chuyển trạng thái và chủ động".
Cũng theo đại diện công an TP Hà Nội, luật giao thông của tất cả nước trên thế giới đều quy định khi đèn vàng phương tiện phải dừng lại.
Bình luận quy định liên quan đến xử phạt vượt đèn vàng, luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc cho rằng quy định này không khả thi và thậm chí có thể dẫn đến trường hợp cảnh sát giao thông xử lý tùy tiện.
Ông Bình phân tích, Luật giao thông đường bộ 2008 chỉ rõ 2 trường hợp về đèn vàng như Cục cảnh sát nêu ở trên, tuy nhiên không quy định rõ khái niệm thế nào là "vượt đèn vàng". Trường hợp vượt qua giao lộ khi có đèn vàng cũng là vượt và đi qua vạch khi có đèn vàng cũng là vượt, như vậy ranh giới xác định việc vượt hay không vượt với cảnh sát giao thông bằng mắt thường là rất khó. Hơn nữa, trong Luật không quy định xử phạt đèn vàng như thế nào.
Theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, từ 1/8 khi tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Quy định này sau đó đã gây ra tranh cãi, vì nhiều ý kiến cho rằng "đèn vàng mà vượt cũng bị phạt thì không cần dùng đèn đỏ nữa, đề nghị bỏ đèn đỏ cho đỡ tốn kém".
Đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, theo quy định của Nghị định 46/NĐ-CP quy định về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016), có các mức xử phạt như sau: - Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng. - Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, tùy trường hợp cụ thể, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe theo quy định. |
Bá Đô
0 nhận xét:
Đăng nhận xét