Ngày 15/9, trên khuôn mặt nhiều người dân xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn còn nét mệt mỏi sau cuộc tháo chạy vì nghe tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Bung 2. "Giờ vẫn còn sợ. Tôi chống gậy theo đoàn người lên núi, ngã dúi xuống đất", cụ Lương Thị Di (76 tuổi, người thôn Hội Khánh Đông) nói.
Cụ Di chưa hoàn hồn sau khi phải chống gây lên núi vì nghe tin "vỡ đập thủy điện". Ảnh: Nguyễn Đông. |
Khoảng 16h30 chiều 13/9, cụ Di nghe tiếng người gọi nhau lên núi vì xuất hiện tin đồn không hay về đập thủy điện. Chồng cụ Di 85 tuổi không đi nổi được người dân dìu, còn cụ vơ vội đống quần áo theo sau.
Bà Huỳnh Thị Mắn kể khi nghe tin vỡ đập đã đẩy xe lăn đưa cậu con trai bị gãy chân theo đường làng lên núi. "Người mang theo mì tôm, người đẩy xe máy, lùa trâu bò, tất cả chạy lên chỗ cao", bà thuật lại. Đêm 13/9, nhiều người dân vẫn bám lại trên núi chưa dám về nhà. "Nhà cháu có 6 người đều ở lại trên núi, vội quá chỉ mang được ít đồ ăn", em Nguyễn Thị Hoa Viên (lớp 6. trường THCS Sơn Tây, xã Đại Sơn) nói.
Em Viên cho biết cả gia đình đã phải ngủ lại trên núi. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Ngô Vinh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết toàn xã có 550 hộ với hơn 2.100 người của cả 7 thôn bỏ nhà lên núi khi nghe tin vỡ đập thủy điện. "Chính quyền xã sau khi xác minh đã thông báo không phải vỡ đập, nhưng người dân vẫn cứ lên núi", ông Vinh nói.
Khu vực Đại Sơn bốn phía bao bọc bởi núi, người dân quần cư dọc hai bên sông Vu Gia (hạ lưu của sông Bung). Theo ông Vinh, năm 2013, thủy điện Đăk Mi xả lũ gây xói lở đất, cuốn trôi nhiều thuyền nhỏ của dân. Năm 2009, cũng do thủy điện xả lũ đã làm chết nhiều người ở thôn Tắc Cạn. "Nghe đến mấy anh thủy điện là tôi ớn", vị chủ tịch xã giọng bức xúc.
Bên cạnh Đại Sơn, hơn 100 hộ dân vùng thấp trũng xã Đại Lãnh cũng gọi nhau lên núi. "Khi xảy ra sự cố, tôi nhận rất nhiều cuộc điện thoại của người dân hỏi về thông tin vỡ đập, nhưng phải nửa tiếng sau mới xác định được đó chỉ là tin đồn", ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch xã Đại Lãnh cho biết.
Nguyễn Đông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét