Dự án Luật Cảnh vệ được Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình Quốc hội trong phiên làm việc ngày 31/10. Theo đó, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đối tượng cảnh vệ.
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, Pháp lệnh Cảnh vệ 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, nhà nước cũng như công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công an, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ trong tình hình hiện nay... Trong khi đó, đất nước đang trong quá trình hội nhập, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên đi thăm và làm việc ở các nước trên thế giới; nước ta cũng ngày càng đón nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn khách quốc tế, tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng.
"Vì vậy, yêu cầu đối với công tác cảnh vệ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho lực lượng cảnh vệ thực thi nhiệm vụ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới", Thượng tướng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm đọc tờ trình dự luật Cảnh vệ sáng 31/10. Ảnh: Giang Huy. |
Dự thảo Luật Cảnh vệ dành một điều quy định về biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó, với Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, dự thảo Luật áp dụng 6 nhóm biện pháp, chế độ cảnh vệ. Đầu tiên là bảo vệ tiếp cận, được hiểu là biện pháp công tác cảnh vệ do sỹ quan cảnh vệ đảm nhiệm, được tiến hành thường xuyên, trực tiếp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống cho đối tượng cảnh vệ.
Biện pháp, chế độ cảnh vệ tiếp theo là bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi ở, nơi làm việc; kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, chất nổ, chất cháy, các chất độc sinh, hóa học và chất phóng xạ; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết.
Cùng với đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng khi đi công tác bằng ôtô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ và được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.
Nhóm chế độ cảnh vệ thứ 6 là các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và Luật an ninh quốc gia.
Dự kiến ngày 9/11, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ.
Điều 10 dự thảo Luật quy định chi tiết về đối tượng cảnh vệ, bao gồm người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, đơn cử như người đứng đầu nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ...; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng... |
Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét