Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với cách lý giải của ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương xung quanh việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp phòng thời kỳ ông làm lãnh đạo Sở.
Trước đó, trả lời VnExpress việc Sở Lao động Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người làm cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên. Ông Lưu Văn Bản (nay là Bí thư Thị ủy Thị xã Chí Linh) khẳng định việc bổ nhiệm và tuyển dụng căn cứ thực tiễn nhu cầu công việc. Cụ thể như, hơn 10.000 hồ sơ về chính sách tồn tại qua nhiều thời kỳ lãnh đạo mà chưa được giải quyết; kho lưu trữ hồ sơ người có công vô cùng lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ thất lạc tài liệu, mối mọt, cháy nổ; số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng; thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân rườm rà, mất tới 30 ngày...
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh: Giang Huy. |
Cho rằng câu trả lời của ông Bản không thuyết phục, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói tổ chức, quyền hạn ở cấp sở đã được pháp luật quy định rõ, ở đây cán bộ và cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định. “Phải chăng ở Sở lao động Hải Dương thì việc nhiều hơn, chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn”, ông Nhưỡng nêu vấn đề.
Là người từng làm giám đốc đơn vị cấp sở, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, trong toàn bộ hệ thống hành chính ở Việt Nam không có quy định nào cho phép một sở có "biên chế 44 người làm cán bộ quản lý, chỉ 2 nhân viên".
“Cách giải thích của ông nguyên giám đốc Sở Lao động Hải Dương về mặt luật pháp là không chấp nhận được”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng việc tùy tiện bổ nhiệm còn liên quan đến đến ngân sách, lương...
“Việc ông giám đốc Sở bổ nhiệm nhiều lãnh đạo theo tôi không phải một mình ông ấy chịu trách nhiệm, các Sở liên quan phải chịu trách nhiệm và người nào ở UBND tỉnh phụ trách Sở đó phải cũng chịu trách nhiệm”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Giang Huy. |
“Động cơ bổ nhiệm vì cái gì thì chỉ cơ quan chức năng trả lời được. Nhưng với tư cách là người làm lãnh đạo thì nhìn vào việc bổ nhiệm như vậy có bất hợp lý không? Ông ấy nói như vậy là bao biện”, đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn nói.
Ông Quốc nhận định, hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ quản lý nhiều hơn nhân viên có thể không phải cá biệt ở Sở Lao động Hải Dương, do đó cơ quan chức năng cần xiết lại tổ chức bộ máy chính quyền, xử lý nghiêm trách nhiệm người vi phạm kể cả khi đã về hưu hay chuyển công tác khác.
Đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Giang Huy. |
Ông Dương Trung Quốc bày tỏ “thấy đáng tiếc” là tại sao các cơ quan dân cử ở địa phương, HĐND, đại biểu Quốc hội của địa phương không lên tiếng sớm mà phải để dư luận xã hội, báo chí phát hiện.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ (ngày 29/10), trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng "một sở biên chế 2 nhân viên, 44 cán bộ quản lý" ở Hải Dương, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Bộ đã ban hành quyết định thanh tra đột xuất việc thực hiện quy định pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, số lượng phó trưởng phòng và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Việc thanh tra đột xuất sẽ tiến hành trong thời kỳ từ 1/2014 đến 10/2016; thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định. |
Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét