Ông Bảy bên một cây rừng trên đảo do ông gìn giữ, bảo vệ. Ảnh: Hoàng Táo. |
Hồ thủy lợi La Ngà (Vĩnh Linh, Quảng Trị) những ngày này nước đỏ au vì phù sa. Nổi bật giữa hồ là 6 hòn đảo xanh rì, râm ran tiếng chim hót. Trong căn lán nhỏ nằm giữa một hòn đảo, ông Nguyễn Công Bảy trầm ngâm nhớ về những ngày khai hoang đảo.
Những năm 1960, hồ thủy lợi được xây dựng để phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng lúa Lâm Sơn Thủy rộng hàng nghìn ha. Lòng hồ có 6 hòn đảo vốn là rừng đầu nguồn, tổng diện tích khoảng 25 ha và không có người sinh sống.
Năm 1994, UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) giao 6 hòn đảo giữa hồ La Ngà cho ông Nguyễn Công Bảy (lúc này 56 tuổi) để thực hiện dự án nuôi gà thả đồi kết hợp khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Từ đó, vợ chồng ông chuyển lên định cư, sống trên những hòn đảo hoang um tùm cây rừng và rắn rết.
Đồ dùng chỉ ít quần áo với vài thứ lặt vặt được ông thuê ôtô chở từ thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) lên đến chân đập La Ngà, rồi thuê đò chở ra đảo. “Tôi thấy cảnh vật mà rơi nước mắt, không biết sẽ sống thế nào đây. Cây cối cao quá đầu người, rắn rết lẩn quất”, bà Nguyễn Thị Lợi, vợ ông Bảy nhớ lại.
Nghe tiếng ông Bảy ra đảo hoang, nhiều người bảo “điên”, nhưng một số bạn bè cảm phục nên góp tiền mua tặng chiếc tivi đen trắng. Ông Bảy vẫn nhớ mãi về gia sản “vĩ đại và đáng tự hào” này.
Hai ngày sau, ông mua chiếc đò ba lá chèo tay để chủ động đi lại giữa các đảo và đất liền. Vốn quê sông nước, ông Bảy không khó để hòa nhập với cuộc sống mới. Riêng bà Lợi những ngày đầu cầm mái chèo, chiếc thuyền gỗ cứ xoay tròn mà không chịu đi thẳng. Sau 3-4 tháng kiên trì, bà mới làm chủ chiếc thuyền.
Tại hòn đảo số 3, vợ chồng ông dựng lên căn lán nhỏ làm nơi ra vào. “Tôi nuôi 2.000 con gà ri đẻ trứng, được ngân hàng nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho vay 100 triệu đồng làm vốn”, ông Bảy nhớ về số tiền rất lớn vào năm 1994. Khoản tiền này được ông trả đủ sau 3 năm ra đảo.
Cùng với nuôi gà, ông Bảy trồng thêm 500 gốc nhãn, do chính ông ra Hà Nội mua giống về. Hạn hán cùng mưa bão làm gãy đổ nên nay chỉ còn 171 gốc nhãn, mỗi năm thu về 10 tấn quả tươi.
Bà Lợi bảo do môi trường trong sạch và yên tĩnh nên 72 tuổi vẫn đầy khỏe mạnh. Ảnh: Hoàng Táo |
Thời bấy giờ, vợ chồng ông nuôi gà bằng thóc nên không thu lợi nhuận cao. Năm 2007, ông xin phép chính quyền lập trang trại lớn, nuôi quy mô công nghiệp nhưng không được cấp phép nên bỏ hẳn nuôi gà.
Với 5 hòn đảo còn lại, ông Bảy ra sức bảo vệ để giữ lại những cánh rừng quý giá đầu nguồn. Hòn đảo số 1, gần nơi ông sống nên được bảo vệ nguyên trạng, hiện còn rất nhiều cây quý như gõ, ka ổi, dẻ, trường… Những cây rừng quý đường kính gốc hết một vòng tay người.
Tại những khoảnh rừng trống do người dân phát đốt tìm phế liệu chiến tranh, ông Bảy trồng 200 cây thông. Sau gần 20 năm, nhiều cây cao đến 20 m, đường kính gốc 30-40 cm.
“Tôi trồng thông tạo đa dạng sinh thái cho đảo, chứ không hề có ý định khai thác”, ông Bảy chỉ vào những gốc thông khỏe mạnh chưa một vết dao phạm vào. Ông bảo trong đường kính 30 km quanh đây, không còn khu rừng nào nguyên sinh nên phải rất vất vả để bảo vệ. Không quản đêm hôm hay sáng sớm, chỉ cần nghe động tĩnh phía đảo số 1 là ông lại chèo thuyền sang nghe ngóng.
4 hòn đảo còn lại, do nhiều nguyên nhân cây rừng bị phát đốt nên ông Bảy trồng tràm để phủ xanh.
Sống giữa đảo thiếu thốn tiện nghi, ban đầu ông Bảy dùng đèn dầu, sau dùng ắc quy rồi 3 năm trở lại đây mới có điện mặt trời. “Thời gian trôi qua thì mọi thứ cũng dần quen. Sau hơn 20 năm trên đảo, tôi thấy mình vẫn khỏe mạnh, hàng ngày làm được nhiều việc dù đã 72 tuổi”, bà Lợi nói.
Ông Bảy hy vọng còn khỏe mạnh thêm vài vụ rừng trồng để giữ đảo. Ảnh: Hoàng Táo |
Đã 78 tuổi, nhưng ông Bảy nói tiếp tục “sống trên đảo và giữ rừng, hy vọng còn khỏe mạnh thêm vài mùa rừng trồng nữa”. Có 3 con gái đã lập gia đình và sống xa nhà, con trai có chí hướng riêng nên không giúp gì được cho vợ chồng già. “Ở đảo, vui nhất là mùa thu hoạch vải vào tháng 5, lúc đó con cháu về thăm mới nhớ đến lời khuyên người già trồng cây ăn quả mà tổ tiên đúc kết”, ông Bảy nói.
Tuổi đã cao nên việc chăm vườn vải ông bà phải thuê nhân công. Hàng tuần, ông Bảy lái đò vào đất liền để chợ búa. Còn bà Lợi lo nội trợ với bếp núc đơn sơ, đun lửa và dùng đèn điện mặt trời trong căn lán che bằng vải bạt.
Vì một số vướng mắc nên ông Bảy vẫn chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đây. “Tôi mong nhà nước sớm có giải pháp để tôi xây được nhà kiên cố, chống mưa nắng, bão bùng cho vợ chồng già”, ông Bảy nói.
Một lãnh đạo công ty thủy lợi Quảng Trị nói việc làm của ông Bảy rất ý nghĩa, những cánh rừng vừa giúp giữ nước cho hồ thủy lợi, lại chống rửa trôi đất đai xuống lòng hồ.
Ngoài trồng giữ rừng, ông Bảy còn niềm đam mê viết kịch nói. Năm 1961, khi còn là công an vũ trang, canh gác tại đồn giới tuyến ở cầu Hiền Lương, ông Bảy viết vở kịch đầu tay "Chiếc nón trôi sông", ghi lại cuộc sống đôi bờ với khát vọng thống nhất non sông, được trao giải bạc toàn quốc năm 1962. |
Hoàng Táo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét