Thứ sáu, 20/1/2017 | 11:37 GMT+7
|
Thứ sáu, 20/1/2017 | 11:37 GMT+7
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người xưa thường làm lễ “Thướng tiêu” tức dựng nêu để báo hiệu một năm đã qua, ngày Tết đã tới.
Sáng 20/1 nhằm ngày 23 tháng chạp âm lịch, trên cơ sở chất liệu cung đình, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tái hiện một kịch bản có tính nghi thức về Lễ dựng nêu hay còn gọi là Thướng tiêu trong chốn hoàng cung triều Nguyễn, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn với không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.
Mục đích ban đầu của Lễ dựng nêu là để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Vào thời vua Minh Mạng, những lần lên nêu, triều đình nhà Nguyễn sẽ chọn một số ấn triện bỏ vào sọt treo lên nêu. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới mở ấn (Khai ấn) và hạ nêu (Há tiêu) rồi tiễn Thần (tống Thần), gọi là mở đầu năm mới.
Trong “Ngự chế thi”, vua Minh Mạng cũng làm một bài thơ đề cập đến cây nêu: Xuân thiên hà vị noãn/ Liên nhật chỉ thiêm hàn/ Lãnh vũ lâm kim thắng/ Thê phong hạ trúc can (nghĩa là Trời xuân sao chưa ấm/ Ngày tiếp ngày lạnh se/ Đồng lạnh thua mưa rét/ Gió buốt phủ nêu tre).
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề.
Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn.
Đoàn rước nêu đi qua trước mặt điện Thái Hòa.
Cây nêu được rước vào khu vực Thế Tổ Miếu.
Trên mâm cỗ đặt ở hương án trong lễ dựng nêu phải có gà, xôi, lợn.
Nghi thức thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc.
Phướng đỏ được treo ở phần ngọn của cây nêu.
Sau phần lễ, 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên.
Theo nghi thức của triều Nguyễn xưa, cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu.
Đến ngày 7 tháng Giêng âm lịch, cây nêu sẽ được hạ xuống đánh dấu ngày nghỉ Tết đã hết, quay trở lại làm việc.
Sau Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.
Võ Thạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét