Tại hội thảo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ngày 22/2, ông Thái Quang Toản (Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ) cho hay, mặc dù đã có chủ trương về tinh giản biên chế nhưng nhiều bộ ngành không đề nghị giảm mà còn muốn tăng lên.
Cụ thể, vừa qua có tới 20/22 bộ ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) đề nghị tăng tổ chức bên trong và biên chế. Đến nay mới chỉ có Bộ Công thương xin giảm cơ cấu, giải tán một tổng cục để cơ cấu lại thành vụ.
Theo ông Toản, từ đầu năm 2016 đến nay đã có 13 địa phương tăng thêm sở du lịch, mà xuất phát đầu tiên từ TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh...
Ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ. |
Tiến sĩ Đinh Duy Hoà, chuyên gia cải cách hành chính, cho rằng hầu hết các bộ, ngành của Việt Nam đều trực tiếp cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, chính các đơn vị sự nghiệp công lập này đã làm cho bộ máy phình to. “Nếu Chính phủ thôi không trực tiếp làm nữa hoặc chỉ làm khoảng 1/10 thôi thì biên chế tự khắc giảm’, ông Hòa nói.
Nói về mức độ gọn nhẹ của bộ máy hành chính nhà nước, ông Hòa thẳng thắn đặt câu hỏi "tại sao các bộ của ta nhiều thứ trưởng như vậy", sau đó ông cho rằng do cách thức làm việc của bộ máy, nếu hệ thống hành chính vẫn giữ cách làm việc như hiện nay thì một bộ có 6 thứ trưởng cũng không đủ.
Đóng góp ý kiến cho hội thảo, tiến sĩ Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp) nêu thực trạng đáng buồn là lâu nay có hiện tượng mỗi nhiệm kỳ bộ trưởng lại tăng thêm vụ, cục mà thực chất là chia nhỏ chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến phình bộ máy, tăng biên chế.
Ông Sơn chia sẻ, có bộ trưởng muốn tinh giản bộ máy nhưng cũng không làm được vì không giải quyết được quan hệ nội bộ. “Có bộ trưởng quyết tâm thực hiện thì bị cô lập, bị cho là đi trái lợi ích ngành”, ông Sơn nói.
Bảo Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét