Tại cuộc họp chiều 23/2, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, để làm nhà 100 triệu đồng cần phải có 3 điều kiện: không mất chi phí về đất (giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất trong chi phí đầu tư); không tính chi phí đầu tư hạ tầng (vị trí dự án đã có sẵn hạ tầng) hoặc tính vào một dự án cái khác; diện tích nhà 25 m2 (mỗi m2 giá 4 triệu đồng).
"Tôi cùng các sở ngành khác đã đi khảo sát và nghiên cứu cách làm. Qua rà soát, thành phố chỉ có 2 khu vực có đủ điều kiện và phải gắn với nhà lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất", ông Tuấn nói.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn. Ảnh: Hữu Công. |
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, điều kiện của TP HCM và Bình Dương khác nhau hoàn toàn. Do vậy không phải Bình Dương làm nhà 100 triệu thì thành phố cũng làm tương tự.
Mặt khác, nhà ở thu nhập thấp hay nhà thương mại cũng đều là thị trường. Trong phân khúc thu nhập thấp cũng có nhiều đối tượng khác nhau vì điều kiện kinh tế, mức sống và khả năng mua nhà khác nhau. Nhà diện tích 25 m2 thì mật độ dân số sẽ dồn về khu đó rất cao, dẫn đến nhiều vấn đề không đảm bảo như nguồn điện, cây xanh, cơ sở hạ tầng…
"Theo tôi, thành phố không nên khuyến khích làm đại trà nhà 100 triệu đồng. Nhìn ở tương lai gần thì đáp ứng nhu cầu thực tế, song về lâu dài lại phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của TP HCM", ông Tuấn nói.
Người đứng đầu ngành xây dựng thành phố cho rằng, trong điều kiện hiện nay nhà thu nhập thấp ở TP HCM có giá dưới 1 tỷ đồng là chấp nhận được. Đây cũng là thị trường với nhiều đối tượng nên có nhiều mức giá để người dân lựa chọn như: 900 triệu, 700 triệu, 500 hoặc 300 triệu đồng mỗi căn.
"Điều này cũng từ nhu cầu thực tiễn ở Bình Dương. Nếu bây giờ họ làm thêm nhà 100 triệu nữa thì cũng không có người mua, vì phân khúc thị trường loại nhà này đã hết. Nhiều người có nhu cầu nhưng nhà lại xa chỗ làm vài chục km. Hay có người thu nhập thấp nhưng họ muốn mua nhà lớn hơn vì loại này chỉ thích hợp với gia đình trẻ", ông Tuấn dẫn chứng.
Căn hộ 100 triệu đồng ở Bình Dương. Ảnh: Minh Duy. |
Ông Tuấn nói rằng, căn hộ không chỉ là nơi ở mà còn là điều kiện, không gian sống và 2 vấn đề này quyết định chất lượng cuộc sống. Để có nhà thu nhập thấp không chỉ có quyết tâm của cấp ủy, quyết liệt của chính quyền mà còn phải có sự đồng tâm giúp sức của các doanh nghiệp.
"Tất cả phải cùng ngồi với nhau, mỗi đơn vị tư vấn, đơn vị cung cấp vật tư, nhà thầu... giảm một chút thì giá thành căn hộ cũng sẽ giảm", ông Tuấn nói và cho biết hiện cũng có một số doanh nghiệp ở thành phố kiên trì mục tiêu xây loại nhà này.
Trước đó, tỉnh Bình Dương đã cho xây 5.000 căn nhà xã hội rộng 20 m2, gác lửng 10 m2 được thiết kế khá khoa học, gọn ghẽ và bán với giá từ 100 triệu đồng cho công nhân. Người mua có thể trả góp trong vòng 3-5 năm. Nhờ đó, hàng nghìn người thu nhập thấp đã có nhà ở.
Xuống làm việc với tỉnh Bình Dương hôm 5/2, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đánh giá cao mô hình này và cho biết thành phố muốn học tập kinh nghiệm của tỉnh, để thực hiện các dự án nhà ở xã hội với mức giá hợp lý nhưng vẫn có điều kiện sinh hoạt như căn hộ thương mại.
Làm việc với Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa đề nghị xem xét thật kỹ và học hỏi kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương để áp dụng theo tình hình thực tế ở TP HCM trong việc xây nhà ở giá rẻ.
Hữu Công
0 nhận xét:
Đăng nhận xét