Thành phố Huế là nơi nhà yêu nước, chí sĩ Phan Bội Châu đã sống qua những năm tháng cuối đời. Tại đây có quần thể di tích lưu niệm Phan Bội Châu gồm ngôi nhà tranh ở số 53, dốc Bến Ngự; nhà thờ, lăng mộ và nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu ở đồi Quảng Tế (xã Thủy Xuân, thành phố Huế)...
Nhà ở cụ Phan được xây dựng trong khoảng từ năm 1926-1927, do cụ tự thiết kế. Lúc bấy giờ, ông Võ Liêm Sơn – giáo viên trường Quốc Học Huế đứng ra chủ trì xây dựng. Ngôi nhà có hình chữ công nằm ngang, ba gian lợp tranh, tượng trưng cho ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), vách đất tương đối cao và thoáng mát. Chính giữa nhà hình vuông, làm nơi diễn thuyết. Xung quanh có các chái chia phòng riêng biệt.
Căn nhà trước kia cụ Phan Bội Châu sinh sống lúc bị giam lỏng ở Huế. Ảnh: Võ Thạnh. |
Trong khuôn viên của ngôi nhà tranh có "Bia kỉ niệm quan hệ giao lưu Việt Nam từ phong trào Đông Du". Tấm bia này được những người hảo tâm Nhật trao tặng và dựng vào ngày 3/11/2010, nhân 70 năm ngày mất của chí sĩ Phan Bội Châu, và 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro.
Theo các tài liệu, phong trào Đông Du do Duy Tân hội và cụ Phan Bội Châu khởi xướng, có mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập cho nước nhà.
Phong trào từng nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ người Nhật Bản tên là Asaba Sakitaro, trong bối cảnh bị thực dân Pháp đàn áp quyết liệt. Tháng 3/1918 (tức 10 năm sau khi rời khỏi Nhật Bản), cụ Phan đã tìm về tận quê hương của Asaba Sakitaro (lúc này đã qua đời) để dựng bia kỷ niệm cho ân nhân lớn của mình tại khuôn viên đền Jo-rin tại Umeyama, thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka. Tấm bia đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Nhật Việt cho đến ngày nay.
Trong bản “tự thuật” để lại, cụ Phan đã ghi lại mối cảm tình thâm sâu đó: “Tôi đặc biệt viết ra đây để truyền lại cho đồng bào Việt Nam biết đến nghĩa cử của những người bạn Nhật Bản như thế này mãi mãi”.
Tấm bia đá được những người Nhật hảo tâm trao tặng đặt ở nhà cụ Phan (thành phố Huế), mô phỏng tấm bia mà nhà chí sĩ đã dựng ở Nhật Bản.
Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật do những người Nhật hảo tâm dựng tặng. Ảnh: Võ Thạnh. |
Sau khi ông già Bến Ngự qua đời (29/10/1940), với số tiền phúng điếu của đồng bào trong cả nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây dựng ngôi mộ và nhà thờ cho chí sĩ Phan Bội Châu.
Mộ có chiều dài 7 m, ngang 5 m, có 5 bậc tam cấp cao 0,8 m, cách bình phong phía đầu mộ chừng 1 m là tấm bia cao 1,8 m, rộng 0,8 m, trên mặt bia có bài “Tự Minh” bằng chữ Hán do cụ Phan viết năm 1934. Nhà thờ được xây dựng phía bên phải nhà ở, nguyên trước đây là ngôi nhà rường 3 gian tường gạch, mái lợp ngói liệt.
Mộ cụ Phan Bội Châu trong khu lưu niệm. Ảnh: Võ Thạnh. |
Vào năm 1973, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đã điêu khắc tượng cụ Phan cao 3 m, nặng 4 tấn đồng đặt trong khu lưu niệm. Đến ngày 25/3/2012, Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế di dời bức tượng đưa về trưng bày ở điểm xanh gần cầu Trường Tiền, bên dòng sông Hương thơ mộng.
Khu di tích Phan Bội Châu còn có vườn mộ các nhà yêu nước rộng 4.000 m2, ở gần đàn Nam Giao. Mảnh vườn này do cụ Phan mua cùng thời điểm với mảnh đất làm nhà ở dốc Bến Ngự. Năm 1934, ông già Bến Ngự dựng bia quy định rõ tiêu chuẩn những người được chôn cất tại đây, ở vườn mộ hiện có mộ nhà yêu nước Nguyễn Chí Diểu, nữ sử Đạm Phương, Hải Triều, Lê Tự Nhiên, Thanh Hải…
Tượng cụ Phan Bội Châu đặt ở công viên bên cạnh cầu Trường Tiền. Ảnh: Võ Thạnh. |
Bộ Văn hóa công nhận Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở Huế là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1990, nơi đây có hơn 150 ảnh tư liệu, hiện vật về cuộc đời và hoạt động của ông già Bến Ngự được trưng bày.
Phan Bội Châu - nhà yêu nước, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp lén lút đưa về Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi ân xá cho Cụ, thực dân Pháp phải đưa cụ về giam lỏng tại Huế 15 năm (1925-1940). |
Võ Thạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét