"64 chiến sĩ Hải quân hy sinh trong sự kiện Gạc Ma, họ còn rất trẻ, tuổi đời vừa chớm đôi mươi. Những bức ảnh chụp cùng gia đình trước khi nhập ngũ, vô tình lại là tấm ảnh thờ. Nhiều người ghé nhà thắp hương, nhưng không thể nhận ra đâu là di ảnh của liệt sĩ Gạc Ma, vì không có dấu hiệu nhận biết, ngoài ngày hy sinh 14/3/1988", cựu binh Trường Sa Trần Văn Tiến mở đầu câu chuyện.
64 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma như thế nào? |
Ông Tiến quê gốc Hải Phòng. Khi Trung Quốc đưa tàu chiến và quân lính vào khu vực quần đảo Trường Sa, tiếng súng nổ ra ngày 14/3 sát hại các chiến sĩ Việt Nam ở Gạc Ma, ông Tiến đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Cả nước sục sôi phong trào Vì Trường Sa thân yêu. 17 tuổi, ông xin đi lính Trường Sa vì "không đi thấy tuổi trẻ mình vô nghĩa khi đất nước bị xâm lược".
Nhận đơn tình nguyện đi lính của ông Tiến, chính quyền địa phương phải xuống tận nhà xác minh mới đồng ý. Nhập ngũ, ông được tham gia chiến dịch CQ88, trong vai trò lính thông tin tại đơn vị công binh E83 (đóng tại Đà Nẵng). Công việc thông tin liên lạc cho chiến dịch khiến ông biết nhiều hơn về sự hy sinh của những người lính công binh ra xây dựng Gạc Ma bị giặc sát hại.
Cựu binh Trường Sa Trần Văn Tiến mắt ngấn lệ khi nhắc đến ngày 14/3/1988. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Cuối năm 1988, tôi tháp tùng chỉ huy ra thực địa cụm đảo Sinh Tồn, nhìn về phía Gạc Ma mà căm uất. Những người lính hải quân Việt Nam khi đó, dù đang làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đảo, hay đã nằm lại với lòng biển, họ đều là những người dũng cảm", ông Tiến nói.
Xuất ngũ năm 1991, phải bươn trải mưu sinh bằng đủ nghề, nhưng ông Tiến bảo mùi mặn của biển, tình nghĩa đồng đội Trường Sa đã đưa ông từ Hải Phòng về lại Đà Nẵng. Năm 2006, ông lập công ty kỹ thuật và dịch vụ hàng hải với nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, siêu âm kết cấu thân tàu... Kinh tế vững hơn, nỗi nhớ Trường Sa trong ông càng đau đáu.
Tham gia vào Hội liên lạc truyền thống Trường Sa Đà Nẵng, ông Tiến đến thắp hương cho 9 đồng đội quê Đà Nẵng hy sinh trong sự kiện hải chiến Gạc Ma. Điều khiến ông trăn trở là 9 di ảnh mỗi gia đình làm theo một kiểu cách khác nhau. Những bức ảnh thờ, đa số là mặc thường phục, theo thời gian đã ố vàng.
Sau nhiều đêm mất ngủ, ông Tiến đến gặp Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng 1984-1988 Nguyễn Văn Tấn đặt vấn đề: "Anh cho em đến xin phép thay di ảnh cho các anh liệt sĩ Gạc Ma". Nhưng kinh phí ở đâu để làm? "Em tự nguyện bỏ tiền túi", ông Tiến dứt khoát. Mọi việc gặp thuận lợi, khi các gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đều đồng ý cho ông Tiến thay di ảnh.
Mẹ Hồ Thị Lai (81 tuổi) bên di ảnh con trai Trương Quốc Hùng được thay áo hải quân. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Không có kỹ thuật về nhiếp ảnh để phục chế ảnh cũ, ông Tiến thuê riêng một thợ chụp ảnh đi cùng. 3 ngày liên tiếp, ông lục lại những bức ảnh cũ kỹ của đồng đội để chụp lại. Mỗi lần chụp xong, ông yêu cầu thợ ảnh phải ghi đầy đủ tên tuổi, tên bố mẹ, địa chỉ để khỏi nhầm. Những bức di ảnh của 9 liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng khoác lên mình bộ quân phục hải quân được in khổ lớn, đóng khung trang trọng.
"Nhiều cha, mẹ liệt sĩ Gạc Ma khi nhận lại di ảnh của các anh đã bật khóc vì hân hoan, rối thoáng chốc lại buồn rầu vì thương nhớ con", ông Tiến nhớ lại. Đó là năm 2013. "Điều tôi vui nhất là những người ghé nhà liệt sĩ Gạc Ma, có thể dễ dàng nhận ra các ảnh với màu áo Hải quân. Với sự hy sinh can trường, các anh xứng đáng với màu áo ấy".
Ông Tiến kể, kỷ niệm xúc động nhất với mình không phải là lời cảm ơn của thân nhân chiến sĩ Gạc Ma, mà chính là lúc cầm những bức ảnh trắng đen, ông xót xa cho những gương mặt đồng đội vì ai cũng non nớt. Lứa tuổi 20 đẹp nhất, nếu không có chiến tranh, những thanh niên ấy đang được học hành, vui chơi. "Những đồng đội của tôi đã lên đường đi bảo vệ Trường Sa và đến nay sau 29 năm, nhiều người vẫn chưa về", ông ngậm ngùi.
"Tôi làm vì tâm chứ không phải để kể công. Việc tôi làm nhỏ bé, không đáng để kể so với sự hy sinh của những người anh, người đồng đội ở Gạc Ma. Chỉ mong nhắc nhớ nhiều cho nhiều người để không lãng quên", ông Tiến nói.
Sáng 14/3, ông Tiến cùng đồng đội thả vòng hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma. |
Sáng 14/3 năm nay, tại công ty của ông Tiến diễn ra lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma. Những người đồng đội E83 xếp thành hàng thành kính thắp nén hương ngưỡng vọng. Vòng hoa kết hình cờ đỏ sao vàng được những người đồng đội thả xuống biển Đông. "Biết các đồng đội còn nằm lại lòng biển lạnh, những ngôi mộ không hài cốt, nhưng cựu binh như chúng tôi lực bất tòng tâm", ông Tiến nói và cho biết với sức mình, năm nay ông sẽ đi dọc đất nước, thay áo cho những liệt sĩ Gạc Ma để kịp lễ tưởng niệm 30 năm.
"Không cùng chiến đấu với đồng đội ở Gạc Ma ngày 14/3/1988, nhưng anh Tiến là người đã có nhiều hành động chăm lo cho gia đình các thân nhân. Thay áo trên những di ảnh là một việc làm thiết thực, để những liệt sĩ có ảnh thờ đồng bộ, đúng tác phong người lính Hải quân Việt Nam và xứng đáng với sự hy sinh", thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Phó chỉ huy chính trị Trung đoàn 83 (Quân chủng Hải quân) giai đoạn 1988 - 1997, nói.
29 năm qua, cha mẹ 64 liệt sĩ vẫn sống với ký ức ám ảnh về những người con của họ đang nằm ở đảo xa.
Lịch sử vùng III Hải quân 1975-2005 ghi lại, ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ 604 ở đảo Gạc Ma, HQ 605 ở đảo Len Đao và HQ 505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất... |
Nguyễn Đông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét