Năm 1988, cuộc khủng hoảng kinh tế Việt Nam lên đến đỉnh điểm, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài gần 10 năm khiến khó khăn trong nước thêm chồng chất. Đúng thời điểm Việt Nam cử hành tang lễ Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng, Trung Quốc đã nổ súng cướp bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Trước sự kiện 14/3, tình hình quần đảo Trường Sa của Việt Nam vốn đã căng thẳng khi Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ từ cuối năm 1987, đầu năm 1988.
Để gây thanh thế ở Trường Sa, nước này tăng số tàu chiến từ 9 lên 12, gồm khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo và tàu đổ bộ... liên tục hoạt động, khiêu khích lực lượng chấp pháp bảo vệ quần đảo của Việt Nam.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 3/3/1988 tại Hà Nội, ông Trịnh Xuân Lãng, người phát ngôn kiêm Vụ trưởng Thông tin báo chí cho biết: "Từ giữa năm 1987, phía Trung Quốc đã có nhiều hoạt động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa, như trinh sát, khảo sát, tập trận, cắm bia".
Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125. |
Ngày 31/1/1988, một số tàu hải quân Trung Quốc đã đổ quân lên đá Chữ Thập. Ngày 18/2/1988, họ xâm phạm đá Châu Viên. Các tàu chiến Trung Quốc cản trở tàu Hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bình thường trong vùng biển chủ quyền.
Không phải ngẫu nhiên mà trước khi có những hoạt động này, tháng 7/1987, Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam (tỉnh thứ 30), bao gồm cả hai khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những hành động xâm lấn nói trên nằm trong ý đồ lâu dài muốn tạo chỗ đứng trên quần đảo Trường Sa - nơi mà trước đến nay Trung Quốc hoàn toàn không có mặt. Để rồi từ những điểm này, họ từng bước kiểm soát và biến biển Đông thành ao nhà, khống chế cả khu vực Đông Nam Á.
Ý đồ đó được Trung Quốc công khai tuyên truyền từ tháng 4/1987 về cái gọi là "đường biên giới địa lý" và "đường biên giới chiến lược 3 mặt" (trên đất liền, biển và không trung).
Theo quan điểm đó, Trung Quốc cho rằng biên giới địa lý là đường biên ổn định đã được các văn bản pháp lý công nhận, còn biên giới chiến lược thể hiện sức mạnh tổng hợp của một quốc gia phục vụ lợi ích sinh tồn, lợi ích kinh tế, lợi ích an ninh và khoa học. Nước nhỏ yếu không đủ sức bảo vệ biên giới địa lý thì sẽ mất dần lãnh thổ. Còn nước lớn mạnh, đủ sức đưa đường biên chiến lược ra xa biên giới địa lý thì về lâu dài sẽ mở rộng lãnh thổ. Vì vậy, Trung Quốc cần phải đưa "quốc môn" đến những vùng biển rộng lớn.
HQ505 - cột mốc bảo vệ chủ quyền Cô Lin sau sự kiện bi thảm ngày 14/3/1988. Ảnh: Nguyễn Văn Vinh. |
Nhận định Trung Quốc sẽ chiếm thêm các bãi cạn quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết, đặc biệt có thể chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, hải quân Việt Nam quyết tâm đóng giữ cụm bãi đá này.
Đầu tháng 3/1988, các tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505 được lệnh đưa công binh và chiến sĩ ra Trường Sa xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma. Sáng 14/3, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên Gạc Ma thì quân Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản, lính Trung Quốc cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ. 64 lính hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh.
HQ 604 neo cạnh bãi Gạc Ma, HQ 605 bảo vệ bãi Len Đao bị bắn chìm. HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó. Sau ngày 14/3/1988, phía Trung Quốc tiếp tục ngăn trở các tàu cắm cờ chữ thập đỏ của Việt Nam làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn chiến sĩ.
Interactive: |
Đánh chiếm trái phép 7 bãi đá gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Châu Viên, Subi, Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đến nay Trung Quốc liên tục cải tạo, mở rộng, xây dựng nhiều công trình như bến cảng, đường băng.
Tại bãi đá Gạc Ma có diện tích khoảng 7,2 km2, Trung Quốc đã xây dựng nền bê tông cùng cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Đến nay, phần nền bê tông đã trải rộng trên diện tích 10.000 m2. Gạc Ma hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy xi măng, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi trở thành đảo nhân tạo, Gạc Ma cùng các quần đảo ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam sẽ tạo thế liên hoàn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Chuỗi thực thể này như một khu vực phòng thủ từ xa khiến Trung Quốc có thể ngăn chặn các tàu nước ngoài tiếp cận, kể cả tàu chiến và tàu ngầm.
Ảnh chụp cấu trúc Trung Quốc xây dựng trên đá Gạc Ma năm 2016. Ảnh: AMTI. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét