Sáng 23/3, thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Võ Thị Dung cho hay 5 năm qua nổi lên vấn đề chủ quyền đất nước. “Đáng tiếc là chưa có thêm quyết sách, quyết định công bố trước toàn dân về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhất là trong thời điểm nhiều thách thức. Nếu làm được vậy thì nhân dân, cử tri cả nước sẽ hài lòng hơn với Quốc hội”, đại biểu Dung bày tỏ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết đã bớt ngây thơ sau 5 năm tham gia Quốc hội. Ảnh: Võ Hải. |
Nữ đại biểu băn khoăn vì kết thúc nhiệm kỳ này nhưng có vụ việc bà đeo đuổi mà không hoàn thành. “Tôi còn nhiều món nợ với dân, không hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Sự quan liêu quá lớn làm cho hệ thống của chúng ta không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân”, bà nói.
Cũng chia sẻ mình “còn nhiều món nợ với cử tri”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu: “Cử tri đến khóc với đại biểu, nhưng vai trò của mình chỉ như chuyển thư. Chưa thấy trường hợp nào được giải quyết thoả đáng. Đôi khi chúng tôi lực bất tòng tâm”.
Đây là nhiệm kỳ đầu tiên bà Phong Lan được tham gia Quốc hội. "Lúc mới tham gia ngây thơ hơn bây giờ, rất kỳ vọng, cố gắng làm hết sức mình. Nhưng sau 5 năm giờ đã bớt ngây thơ vì hiểu được sức mình có thể làm được đến đâu, có thể làm được gì", bà tâm sự.
Nhiều đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu câu nào
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, báo cáo nhiệm kỳ nhưng không có đánh giá gì về đại biểu Quốc hội và không thể có chuyện 100% đại biểu hoàn thành nhiệm vụ. “Chúng tôi xót xa khi thấy những người tâm huyết, làm ngày làm đêm, bản lĩnh dám nói ra sự thật cũng như người chả làm gì”, ông Quyền bày tỏ.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng trung tâm của Quốc hội là đại biểu, song báo cáo tổng kết nhiệm kỳ không có trang nào, dòng nào nói riêng về việc thực hiện trách nhiệm của cá nhân đại biểu mà chỉ là những ý rất sơ sài, chung chung. “Qua theo dõi trên nghị trường, có đại biểu phát biểu giống hệt nhau, ý tứ trùng lặp hoàn toàn. Vậy trách nhiệm của các cá nhân đó như thế nào?”, bà Hà nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Thích Bảo Nghiêm cũng nhất trí trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội phải có đánh giá về hoạt động của đại biểu Quốc hội. Vì nếu không đánh giá thì một đoàn 30 đại biểu như Hà Nội cũng giống như một đoàn chỉ có 5-6 đại biểu.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng đại biểu Quốc hội phải có bản lĩnh, dám nói đúng thực tế. Ảnh: Võ Hải. |
Cũng băn khoăn về chất lượng đại biểu, ông Đỗ Văn Đương cho rằng, không phải cứ nhiều người học đại học, có bằng tiến sĩ là chất lượng vì “tiến sĩ giấy nhiều lắm”. Quan trọng là đại biểu phải nâng cao kinh nghiệm cuộc sống, có bản lĩnh dám nói và nói đúng thực tế, gai góc để người ta nhìn ra mà sửa.
Qua theo dõi Quốc hội, ông Đương nhìn nhận, gần đây chủ yếu đại biểu có tuổi phát biểu mạnh dạn, tư duy trẻ trung, người trẻ hầu như rất ít nói. "Nhiều người nói thì hay nhưng bảo viết một quy phạm pháp luật, báo cáo không làm được. Vừa rồi tôi hao 10 kg để chỉnh sửa từng điều luật Hình sự", ông Đương nêu.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, Hiến pháp nói Đảng lãnh đạo toàn diện trong đó có lãnh đạo Quốc hội nên cần quy định rõ cơ chế lãnh đạo của Đảng với Quốc hội. Vấn đề nào Đảng quyết định và Quốc hội cùng toàn bộ hệ thống chính trị chấp hành, triển khai quyết định đó? “Có những vấn đề Đảng quyết định rồi, thảo luận cũng phải thực hiện như thế thôi. Thảo luận để quán triệt thì được. Thảo luận để kết luận những điều mình không có quyền quyết định thì tôi nghĩ không nên, mất thời gian", bà Tâm nói. Thứ hai là có loại việc Đảng quyết định rồi, giao cho Đảng đoàn Quốc hội thể chế hóa bằng luật thì Quốc hội phải làm cho tốt, thể hiện chấp hành sự lãnh đạo của Đảng. Thứ ba có những việc Đảng ra chủ trương, định hướng Quốc hội có toàn quyền quyết định mà không đi chệch sự lãnh đạo của Đảng, hợp lòng dân. Cơ chế lãnh đạo của Đảng với Quốc hội phải có quy định cụ thể. Thời gian vừa qua việc này không rõ. |
Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét