Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp phòng chống hạn, mặn sáng nay. Ảnh: Cửu Long |
Ngày 7/3, báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nói: "Với diễn biến như hiện nay thì chúng ta đang trải qua trận thiên tai lịch sử".
Theo ông Phát, do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong 90 năm nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm gần hai tháng. Trong các tỉnh thành ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ Đồng Tháp và Cần Thơ chưa bị mặn tấn công nhưng nắng hạn lại đang hoành hành.
Tại các khu vực sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, ven biển Tây, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền 45-93 km; nhiều nơi có độ mặn cao nhất đạt 20,3-31,5g/l.
"Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống người dân ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng", báo cáo của Bộ Nông nghiệp nêu.
Bản đồ xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại miền Tây. Ảnh: Cửu Long |
Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - tỏ ra lo lắng khi có tới 161 trên 165 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị mặn bủa vây; hơn 90% diện tích lúa đông xuân mất trắng. Nhiều nơi không có cỏ, rơm cho trâu bò ăn nên người dân phải bán với giá rẻ. Nước ngọt sinh hoạt thiếu trầm trọng.
Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang thiệt hại lên đến 1.200 tỷ đồng do đợt thiên tai này.
Đến nay, toàn vùng có gần 140.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện, 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) thiếu nước ngọt sử dụng. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang đã công bố tình trạng thiên tai. Dự báo, mùa khô năm nay, xâm nhập dài đến đầu tháng 6, muộn hơn hai tháng so với cùng kỳ nhiều năm.
Trước vấn đề cấp bách, một số địa phương đã chủ động ứng vốn dự phòng để đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng cho dân sử dụng. Trong đó, Kiên Giang đắp 82/89 đập tam; khoan nước ngầm với công suất 20.000 m3 một ngày đêm. Tỉnh Tiền Giang đầu tư hệ thống bơm công suất 32.000 m3 một giờ để đưa nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt hóa Gò Công. Tỉnh Bến Tre dùng sà lan chở nước ngọt cho dân vùng bị mặn nghiêm trọng. Sóc Trăng mở nhiều điểm cấp nước công cộng miễn phí.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐBSCL cần 32.500 tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện, đã bố trí khoảng 50%. "Bức xúc nhất là cần 1.060 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng thực hiện những công trình cấp bách ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân", ông nói.
Có gần 140.000 ha lúa đông xuân ở miền Tây bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: A.X |
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, vị trí chiến lược, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang bị thiên tai rất nghiêm trọng và còn diễn biến phức tạp, nặng nề hơn. "Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với nhân dân ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm", ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trước mắt phải đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, đề phòng tình trạng dịch bệnh tràn lan. Tập trung tất cả các biện pháp có thể làm để ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ diện tích lúa đông xuân đang còn trên đồng cũng như vườn cây ăn trái tại các địa phương. Hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi thủy sản ứng phó với dịch bệnh phát sinh trong điều kiện nắng hạn, độ mặn tăng cao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các địa phương nhanh chóng cấp kinh phí để thực hiện những công trình cấp bách ứng phó thiên tai, hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn. Ngân hàng nhà nước khoanh nợ cho người dân đối với diện tích thiệt hại và cho vay mới ngay để khôi phục sản xuất.
Thủ tướng cũng đôn đốc các ngành liên quan làm sớm công hàm yêu cầu Trung Quốc xả đập trên sông Mekong để đưa nước ngọt về hạ nguồn nhiều hơn.
"Vốn thực hiện các công trình cấp thiết cho ĐBSCL đang thiếu 15.000 tỷ đồng, sẽ được bố trí từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ODA... Theo dự báo, trong vòng 100 năm tới, ĐBSCL chắc sẽ ngập hết. Vì thế phải có giải pháp thích ứng thiên tai thật căn cơ", ông Dũng chỉ đạo.
Ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn đến cây lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long (xem chi tiết). |
Cửu Long
0 nhận xét:
Đăng nhận xét