Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Ngày 30/8/1945, sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại ở Ngọ Môn (Huế), chính quyền cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trưng thu toàn bộ tài sản gần 3.000 món là những ấn vàng, kim sách, bảo vật cung đình... đưa ra Hà Nội bằng ôtô. Ngày 31/3 vừa qua, những cuốn kim sách (sách đúc bằng vàng) và kim ấn (ấn vàng) lần đầu tiên được Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tới công chúng.

"Nhờ đưa ra Hà Nội mà những món đồ này được bảo vệ và còn giữ được, nếu để ở Huế có lẽ đã mất hết rồi", TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói.

chuyen-it-biet-ve-sach-duc-bang-vang-cua-vuong-trieu-nguyen

Kim sách được đúc từ vàng hoặc bạc mạ vàng, bìa sách trang trí hình rồng mây, gáy được đóng khuyên tròn. Ảnh: Hoàng Phương.

Những cuốn sách làm bằng vàng ghi lại chính sự cung đình phần nào phản ánh biến động lịch sử của triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1802, sau khi lên ngôi lập ra triều Nguyễn, vua Gia Long bắt đầu cho đúc kim sách. Đây là loại thư tịch cổ đặc biệt, ghi lại việc chính sự của hoàng triều, như hoàng đế đăng quang, lập thái tử, phong hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích. Lời sách do đích thân vua hoặc đại thần biên soạn.

Việc đúc kim sách được giao cho Hữu ty thuộc Bộ Lễ thực hiện. Nghệ nhân đóng kim sách là bậc thầy giỏi nhất trên toàn quốc được đưa về xưởng chế tác của triều đình. Xưởng này nằm ngay trong hoàng cung, phía đông Tử Cấm Thành, thuộc khu vực của Phủ Nội vụ, nơi lưu giữ kho báu của triều đại.

Vàng để chế tạo kim sách không phải là vàng 10 tuổi mà là vàng non hơn để dễ chế tác, tinh luyện. Sau khi bậc đại bút trong Hàn Lâm viện chắp bút thư pháp trên kim sách, thợ thủ công khắc chữ lên vàng hoặc bạc mạ vàng. Nếu để xảy ra sai phạm nhỏ thì người thợ sẽ bị phạt rất nặng. Do vậy, các tác phẩm khi hoàn thiện gần như đạt độ hoàn hảo vì được chế tác và giám sát công phu.

chuyen-it-biet-ve-sach-duc-bang-vang-cua-vuong-trieu-nguyen-1

Sau khi được người trong Hàn Lâm viện chắp bút thư pháp trên kim sách, thợ thủ công mới khắc chữ lên vàng hoặc bạc mạ vàng. Ảnh: Hoàng Phương.

Hoàng cung triều Nguyễn rất ưa chuộng vàng. Từ thời các chúa Nguyễn (tiền nhân của nhà Nguyễn) khi xây dựng chính quyền Đàng Trong (1558-1777) đã bắt đầu thực thi chính sách khai thác vàng và phát triển nghề kim hoàn chế tác. Đàng Trong khi ấy được mệnh danh là vùng đất của vàng. 

Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn ghi chép lại việc các chúa Nguyễn cấp phát lương thực, khuyến khích người dân khai thác vàng cho triều đình, lập đội tìm vàng chuyên nghiệp, lập hải đội Hoàng Sa phái người đến các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thu nhặt vàng bạc, hàng hóa từ tàu thuyền nước ngoài bị đắm. Dưới thời này còn có cơ quan chuyên chế tác vàng thành phẩm, làm đồ trang sức phục vụ cho hoàng cung và xuất khẩu ra nước ngoài. Sau này, khi vua Gia Long lên ngôi, việc dùng vàng đúc kim sách cũng là điều dễ hiểu.

Do biến động lịch sử, chất lượng kim sách cũng khác nhau, có cuốn bằng vàng ròng, có cuốn làm từ bạc mạ vàng. Dưới thời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, kim sách được chế tác khá tinh xảo. Từ thời vua Đồng Khánh trở đi, kim sách, kim ấn giảm dần chất lượng. Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862) với Pháp, nhà Nguyễn phải bồi thường khoảng 4 triệu piastre (tiền tệ 3 nước Đông Dương thời Pháp đô hộ) tiền chiến phí nặng nề. Triều đình huy động nhiều vàng bạc, châu báu để quy đổi tiền, gây tổn thất lớn cho quốc khố nên kim sách thời đó làm sơ sài hơn.

Kim sách, kim ấn như chứng nhân lịch sử chứng kiến hưng vong của hoàng triều, vượt qua chiến tranh khắc nghiệt của đất nước và tồn tại cho đến nay. Những năm chống Pháp, các bảo vật trên được đóng thùng, di tản lên chiến khu cùng với cơ quan đầu não kháng chiến. Vì là tài sản đặc biệt của quốc gia nên báu vật được giữ ở những nơi bí mật.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trong thời kỳ khó khăn, nhiều lần Ủy ban Kháng chiến và Ngân hàng quốc gia đề xuất bán những đồ vật đã trưng thu của nhà Nguyễn để sắm vũ khí, lương thực. "Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm giữ, nhờ đó mà có được những đồ vật quý để ngày nay phục vụ cho việc giới thiệu, trưng bày. Việc giữ được những báu vật này quả thực là một kỳ tích và là may mắn của dân tộc ta", ông Giám đốc Hải đánh giá.

chuyen-it-biet-ve-sach-duc-bang-vang-cua-vuong-trieu-nguyen-2

Ấn vàng Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm 1709. Đến đời vua Gia Long, ấn này được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn. Ảnh: Hoàng Phương.

TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết thêm, việc đề xuất chuyển đổi giá trị của những báu vật cung đình để bù đắp lúc tài chính Chính phủ cạn kiệt cũng chỉ được đề cập trong một vài cuộc họp chứ không có văn bản chính thức nào. Cuối năm 1959, số đồ quý trên được Bộ Tài chính bàn giao cho Bảo tàng lưu giữ.

Nhưng năm 1961, cả nước chấn động khi hay tin kẻ gian lẻn vào bảo tàng trộm mất chiếc ấn vàng Hoàng hậu chi bảo nặng 4,9 kg và chiếc âu vàng nặng 0,5 kg của hoàng hậu Nam Phương quyên tặng cho Chính phủ trong Tuần lễ vàng. Vụ án này mãi 3 năm sau mới được phá. Lo bị mất trộm, toàn bộ kim sách, kim ấn và hàng nghìn bảo vật khác được đóng thành mười mấy thùng đưa sang ngân hàng gửi.

Các bảo vật được đựng trong thùng kim loại, bọc thêm lớp vỏ bằng gỗ bên ngoài cùng với danh mục. Chìa khóa niêm phong do bảo tàng giữ. Đến năm 2007, số tài sản trên mới được giao lại cho bảo tàng sau khi đơn vị này nâng cấp, xây khu vực cất giữ.

TS Chiến thông tin, giới nghiên cứu còn phát hiện về kim sách thời Mạc, hình thức gần giống như kim sách nhà Nguyễn, nhưng được làm từ đồng mạ vàng, chỉ có vòng khuyên ở gáy sách mới được đúc bằng vàng thật. Đáng tiếc những kim sách đó do tư nhân nắm giữ, hiện chưa sưu tập được về bảo tàng.

"Cho đến nay mới thấy kim sách bằng vàng dưới thời Nguyễn, những triều đại khác trở về trước có đúc hay không thì đến nay chưa có tài liệu nào ghi rõ. Vậy nên, những kim sách, kim ấn thời Nguyễn là báu vật vô giá về lịch sử, chính trị, văn hóa", ông Chiến nói.

Từ ngày 31/3 đến đầu tháng 8/2016, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu 22 cuốn kim sách tiêu biểu trong số 94 cuốn kim sách của 13 đời vua triều Nguyễn. Đi kèm còn có 10 kim bảo liên quan, 2 hộp đựng kim sách… đều được làm từ kim loại quý, chạm khắc tinh xảo. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 3.000 bảo vật triều Nguyễn mà Bảo tàng tiếp nhận từ năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị.

Hoàng Phương - Nguyễn Đông

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật trong tuần

Đối tác

Mời các bạn ghé thăm:
Bảo Châu ELEC chuyên cung cấp lắp đặt các hệ thống Audio chuyên nghiệp như:
Loa klipsch

Tham khảo thêm Loa klipsch hay, giá rẻ khác


Loa Klipsch chính hãng, nghe nhạc cực hay, xem phim cực chất, đa dạng mẫu mã, giá tốt nhất tại Việt Nam.
Xem thêm nhiều loa Jamo chính hãng, giá tốt khác

Xem thêm nhiều loa Jamo chính hãng, giá tốt khác


Bảo Châu Elec - hệ thống chuỗi cửa hàng âm thanh hiện đại hàng đầu tại Việt Nam. Hiện đang cung cấp dòng loa Jamo chính hãng với giá cực tốt. Quý khách đang có nhu cầu sở hữu dòng loa nghe nhạc đỉnh cao, âm thanh chất lượng, kiểu dáng sang trọng này hãy xem thêm tại đây.