Bên lề Quốc hội sáng 1/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ về nghi thức tuyên thệ.
Ông cho hay việc bốn chức danh cấp cao tuyên thệ khi nhậm chức đã được quy định trong Hiến pháp và luật Tổ chức Quốc hội. Điều 70 Hiến pháp và Điều 8 Luật tổ chức Quốc hội ghi rõ: "Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp". Như vậy, ngoài nội dung bắt buộc là Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, những nội dung còn lại do người tuyên thệ quyết định, miễn sao phù hợp với chức trách và thời gian không quá 3 phút.
Khi đọc những lời thiêng liêng, tay trái người tuyên thệ đặt lên cuốn hiến pháp, tay phải giơ cao.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước hơn 400 đại biểu với cờ đỏ sao vàng phía sau. Đại biểu Dương Trung Quốc góp ý Đoàn Chủ tịch thay vì ngồi tại chỗ nên đứng xuống phía dưới cùng các đại biểu khác để chứng kiến nghi thức này. Ảnh: Giang Huy. |
Theo ông Phúc, nghi lễ tuyên thệ sẽ được thực hiện lại với các chức danh trên sau khi được Quốc hội bầu vào kỳ họp đầu tiên của khóa 14, dự kiến vào tháng 7/2016.
Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông đánh giá lời tuyên thệ "ngắn gọn nhưng rất trang trọng, kể cả hình thức lẫn lời văn đều đáp ứng được yêu cầu của buổi lễ".
Về nghi thức thực hiện, ông Thông cho biết sẽ linh hoạt theo từng tình huống. "Đến nay chưa có quy định cụ thể về nghi thức tuyên thệ. Chúng ta cứ làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần dần. Khi ổn định rồi có thể đưa vào nội quy", ông nói.
Hoan nghênh việc tuyên thệ là rất trang trọng, ý nghĩa, đại biểu Dương Trung Quốc đồng thời viết thư góp ý gửi tới Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông cho rằng một vài chi tiết cần xem lại như khi Chủ tịch Quốc hội nói trước cờ Tổ quốc thì thực tế lá cờ lại sau lưng. Phải chăng vị trí người cầm cờ nên ở phía trước để bà nhìn vào lá cờ nói thì trang trọng hơn. Chứng kiến lời thề các đại biểu nên đứng dậy và đoàn chủ tịch nên đứng xuống phía dưới cùng chứng kiến...
*Chủ tịch Quốc hội xúc động thực hiện nghi lễ
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước Bùi Mạnh Hùng thì đề nghị Thủ tướng khi nhậm chức sắp tới "cần tuyên thệ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ. Lời tuyên thệ này cũng giống như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rõ ràng mạnh mẽ về vấn đề biển Đông".
Phản hồi ý kiến của đại biểu, Tổng thư lý Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe để hoàn thiện cho các kỳ sau. Riêng 3 chức danh tuyên thệ trong những ngày tới vẫn thực hiện như trường hợp của Chủ tịch Quốc hội.
Ông đính chính đây chỉ là lần đầu sau 70 năm Quốc hội có nghi lễ tuyên thệ. "Năm 1946 bác Hồ đã tuyên thệ rồi. Khi ấy, Bác đứng trước lá cờ, hướng về đình Tân Trào, lá cờ ở phía sau, bác Hồ đứng trước", ông nói.
Ngày 31/3, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi thức tuyên thệ khi nhậm chức. "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó", bà nói với một tay đặt lên bìa cuốn hiến pháp màu đỏ, tay kia giơ cao hướng về hội trường.
Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét