Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay đã có gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, địa chất, hóa, công nghệ vũ trụ....vào cuộc tham gia tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.
Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu cá chết trên biển và trong lồng, mẫu nước, trầm tích, sinh vật phủ du từ ngày 7/4 để phân tích độc tố, dịch bệnh thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số môi trường.
Việt Nam vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cá chết ở miền Trung. Ảnh: Đ.H |
Họ cũng lấy số liệu về động đất để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng của hiện tượng này; số liệu về viễn thám để tìm hiểu dòng chảy, sự hiện diện của dầu loang.
Các mẫu được phân tích tại các phòng thí nghiệm với các hệ thống máy móc hiện đại của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ. Kết quả bước đầu đã loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra.
"Giới chuyên gia đang tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá là nguyên nhân sinh học và hoá học", thông báo của Bộ Khoa học nêu rõ.
Để phân tích, đánh giá nguyên nhân cá chết hàng loạt, Bộ cũng đã thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia do giáo sư, viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ tịch.
Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, phân tích và tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu liên quan đến tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển.
Ngày 2/5/2016, thay mặt Hội đồng, giáo sư Châu Văn Minh đã có buổi làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm ra nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mời họ tham gia tư vấn cho Bộ. Các nhà khoa học quốc tế đều khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đầu tháng 4, từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Một số ngư dân có hiện tượng thu gom cá bán cho thương lái.
Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa là nguyên nhân gây thảm họa.
Ngày 2/5, sau khi thu thập 12 mẫu cá biển, tôm, cua, mực... tại Hà Tĩnh, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kết luận, hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật trong các loại thực phẩm này đều trong giới hạn cho phép. Phân tích từ 9 đến 16 chỉ số mẫu nước biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá tất cả nằm trong giới hạn cho phép.
Phạm Hương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét