Ở tuổi xưa nay hiếm, mỗi lần có khách đến thăm, chuyện đầu tiên mà đại Lâm Quang Minh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chia sẻ luôn là việc từ đầu năm đến nay ông đã "phân phát" hết số tiền hơn 1 tỷ đồng cho các quỹ khuyến học, trẻ em chất độc da cam ở Đà Nẵng.
Kể lại quyết định bán nơi lưu giữ bao kỷ niệm của gia đình lấy tiền làm từ thiện, ông tâm sự: "Nhiều người dư tiền tỷ, có tài sản lớn muốn bán đi giúp đời nhưng bị con cái ngăn cản. Còn tôi thì tự do với quyết định của mình".
Đại tá Lâm Quang Minh quyêt định bán căn nhà ở trung tâm Đà Nẵng để làm từ thiện. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đại tá Minh sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Mồ côi mẹ từ năm 14 tuổi, lại là anh cả trong nhà, cậu bé Minh khi đó đã nghĩ chuyện nghỉ học giúp cha bớt gánh nặng cảnh "gà trống nuôi con".
May mắn được người trong họ tộc giúp đỡ, Minh tiếp tục đèn sách và thi đỗ Quốc học Huế. "Tôi vừa học xong tú tài thì diễn ra Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám nên quyết định không về quê mà ở lại Huế đi theo cách mạng", ông Minh kể.
35 năm trong màu áo lính, ông Minh không nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu trận đánh trong chiến tranh vệ quốc. "Trở về sau chiến tranh, tôi thấy mình may mắn khi có vợ, con, trong khi biết bao đồng đội đã ngã xuống. Nhớ ơn đồng đội, nhớ ơn đồng bào nên tôi quyết định dành tiền của, công sức đi làm từ thiện", ông Minh kể.
Rời quân ngũ, đại tá Minh tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, từ công tác mặt trận đến HĐND phường, HĐND thành phố, làm cầu nối cho các hội từ thiện trong, ngoài nước giúp đỡ học sinh hiếu học, trẻ em nghèo bất hạnh.
Năm 2015, người bạn đời khuất núi, để lại lời dặn "ông hãy gom góp tiền để giúp đỡ thêm những mảnh đời khó khăn hơn mình". Ông Minh trăn trở, nếu chỉ tiết kiệm đơn thuần thì không được bao nhiêu, dồn mãi cũng chỉ dư hơn chục triệu đồng trong nhà. Ngày giỗ đầy năm vợ, ông quyết định họp các con lại, thông báo sẽ bán căn nhà đang ở.
Căn nhà nhỏ là nơi lưu giữ kỷ niệm của gia đình, đã được cô con gái cả của cụ Minh mua lại. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đây là căn nhà vợ chồng ông Minh mấy chục năm khó nhọc tích góp mới mua được, giá thị trường khi rao bán là 2,4 tỷ đồng. "Các con không muốn tôi bán nhà, vì đây là nơi lưu giữ kỷ niệm của gia đình. Nhưng thấy tôi nhất quyết, con gái đầu đã mua lại", cụ Minh nói và cho biết bán căn nhà giá 2,2 tỷ đồng.
Cụ Minh thắp nén hương cho vợ thông báo mình đã dành hơn 1,1 tỷ đồng giúp đỡ trẻ em khuyết tật, học sinh hiếu học. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Lúc bấy giờ, nhiều người góp ý với ông Minh rằng nhà cửa của mình thì nên để lại cho con cháu, không nên bố bán nhà cho con. Nhưng ông Minh nghĩ rằng các con đều đã trưởng thành, "mình chết thì đâu có mang theo được cái gì, trong khi 2 tỷ đồng giúp được biết bao nhiêu hoàn cảnh".
Dù bán nhà cho con, nhưng ông Minh rạch ròi chuyện tiền bạc. Ông chia số tiền hơn 1 tỷ đồng để trao cho các hội khuyến học phường, quận, huyện, mỗi nơi từ 70 đến 100 triệu đồng; dành 50 triệu giúp đỡ các gia đình cựu chiến binh khó khăn, có con cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam; hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng... Còn 1 tỷ đồng, ông dành riêng giúp đỡ anh em trong họ tộc còn khốn khó.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, cho biết đại tá Lâm Quang Minh đã vận động gần 300 triệu đồng giúp đỡ Hội. "Tôi đã rất bất ngờ khi biết tin cụ Minh bán căn nhà của mình để làm từ thiện. Dễ chi gặp được người như thế", bà Hiền nói.
Lúc ông Minh gọi điện mời đến trao 50 triệu đồng giúp Hội, bà Hiền kể rằng đã rất lo lắng vì sợ con cháu ông phản ứng. "Nhiều nơi con cháu không đồng ý chuyện cha mẹ bán nhà, đưa tiền đi làm từ thiện. Nhưng khi tôi đến nhận tiền về giúp trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam, con cháu của cụ Minh đều rất vui vẻ. Thật là hiếm có", bà Hiền nói.
Năm 1952, ông Lâm Quang Minh dẫn đầu đoàn 16 cán bộ trung, sơ cấp từ khu 5 vượt đường mòn Trường Sơn, suốt 6 tháng mới ra đến Thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Bác Hồ biết tin đã đến hỏi thăm, ân cần căn dặn, khen đồng bào, chiến sĩ khu 5 đánh giặc giỏi. Sau đó ông Lâm Quang Minh còn nhiều lần được gặp Bác, có khi trực tiếp, có khi từ xa đứng trong hàng quân. Ngày 2/9/1969, ông Lâm Quang Minh cùng đoàn cán bộ ra Hà Nội thì được tin Bác mất. "Tôi đứng trong đoàn người, giữa trời mưa tầm tã, để vào nhìn Bác lần cuối. Đã dặn lòng không được khóc, nhưng nước mắt cứ trào ra", ông Lâm Quang Minh chia sẻ. |
Nguyễn Đông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét