Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình. |
Thảo luận dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) ngày 27/10, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, dư luận đang đặt ra câu chuyện: "Tiền nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường. Các anh làm sai, các anh bảo dân đóng thuế cho các anh đền à?".
Theo ông Bình, thế giới đã giải bài toán về kinh phí chi trả bồi thường bằng cách lập quỹ từ nguồn thu xử phạt tội phạm. "Người ta không lấy tiền thuế của dân để đền bù. Nhiều nơi họ tịch thu tiền xử phạt buôn lậu, ma túy, tham nhũng…, cho vào quỹ để giải quyết bồi thường", ông Bình nói.
Chánh án TANDTC cho rằng lâu nay các vụ bồi thường chủ yếu trong lĩnh vực hình sự, oan sai, nay dự án Luật mở thêm lĩnh vực hành chính sẽ có khó khăn. Cụ thể như mấy vụ án oan sai vừa qua, bồi thường kiểu nào cũng bị phản ứng. Nếu đúng quy định của Luật, Bộ Tài chính yêu cầu phải có chứng từ xác nhận, thì người được bồi thường không có nhiều giấy tờ để đáp ứng. Ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, theo quy định đền bù không bao nhiêu, dư luận sẽ đặt vấn đề "oan sai mười mấy năm mà bồi thường có thế" (Sau nhiều lần thương lượng, gia đình ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận 4 trong 7 khoản đòi bồi thường, tương đương 2,6 tỷ đồng, nhiều khoản khác hai bên chưa đạt được tiếng nói chung).
Ngược lại, theo ông Bình, nếu vận dụng (để đền bù cao) thì có dư luận sẽ nói sao tiền nhà nước mất nhiều thế. Trong thực tế khi vận dụng Luật, hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có nhiều khoản không thể chứng cứ hóa được, như: thiệt hại về danh dự, tinh thần...
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, kết quả thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước từ 2010 đến 2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường; trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 111 tỷ đồng.
Võ Thành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét