Ngày 15/10, đoàn khảo cổ đào thăm dò gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) nơi nghi chôn cất vua Quang Trung đã tiến hành lấp lại các hố đào thăm dò, tuyên bố kết thúc quá trình khảo cổ gò Dương Xuân.
Hố thăm dò tại nhà số 13/120 Điện Biên Phủ sẽ được lấp cát để bảo tồn hiện vật. Ảnh: Võ Thạnh. |
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết, sau khi phát hiện lớp đá tại số nhà 13/120 Điện Biên Phủ, đoàn đã tiến hành đào thêm một hố cạnh hàng rào nhà kế bên và phát hiện một nền đá với chiều rộng 2,6m2 xếp chồng lên nhau, bên trên có các lớp vữa.
Hố đào thăm dò tại chùa Vạn Phước đã trả lại mặt bằng ban đầu. Ảnh: Võ Thạnh. |
Trong ngày 15/10, các hố đào thăm dò ở chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước và nhà ông Nguyễn Hữu Oánh đã được đoàn khảo cổ lấp trả như hiện trạng ban đầu. Riêng hố thăm dò tại nhà 13/120 Điện Biên Phủ sẽ được lấp cát thay vì đất để bảo tồn hiện vật thăm dò được.
Ông Liêm cho biết thêm, hiện vật thăm dò trong 8 ngày (7/10 - 15/10) sẽ được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế, thông tin về hiện vật sẽ được công bố sau 3 tháng.
Trước đó ngày 30/10/2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học cung điện Đan Dương triều Tây Sơn tại Huế. Tại đây, nhà nhiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người 30 năm đi tìm kiếm tư liệu, thực địa, cho rằng cung điện Đan Dương được xây dựng gần chùa Vạn Phước, Thiền Lâm, ngay gò Dương Xuân. Dưới cung điện là nơi chôn cất vua Quang Trung.
Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m2, từ ngày 30/9 đến 15/10. Hàng chục hiện vật gồm các mảnh gạch ngói, bát đĩa, các lớp đá có dấu hiệu của công trình xây dựng được tìm thấy. Giá trị, niên đại của các hiện vật đang được xác định.
Võ Thạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét