Tỉnh Quảng Nam vừa đồng ý chủ trương cho Công ty Việt Pháp di dời nhà máy luyện cán thép từ Cụm Công nghiệp Thương Tín 1 (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân để thông báo nội dung trên, qua đó có hai vấn đề bà con băn khoăn là việc đặt nhà máy thép trên địa bàn sẽ tác động tới môi trường như thế nào, và mức bồi thường tái định cư cho họ ra sao.
Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết chính quyền đã họp dân để thông báo chủ trương di dời nhà máy thép đến khu vực thôn Hoa. Ảnh: Sơn Thủy |
Trưởng thôn Hoa, Bnướch Sơn cho biết, thôn có 118 hộ, trong đó gần 20 hộ nằm trong vùng dự án xây dựng nhà máy thép, số còn lại ở cách khoảng 1 km. Tại vị trí đặt nhà máy, nguồn nước không đổ trực tiếp ra lưu vực sông Vu Gia, vì có ngọn núi chắn qua. Nước ở đây theo khe suối đổ xuống đoạn xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc rồi mới ra sông Vu Gia.
Theo trưởng thôn Sơn, trong tháng 9, lãnh đạo huyện và Công ty thép Việt Pháp đã mời người dân trong vùng dự án đến họp để công bố chủ trương. Tại đây, phía công ty cho rằng, phạm vi ảnh hưởng bụi, khí thải trong bán kính khoảng 500 m, công ty đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước thải của nhà máy.
“Nghe nói vậy, bà con phần nào yên tâm, nhưng thời gian qua trên báo chí đưa nhiều thông tin trái nhiều, nên bà con lại lo lắng. Ví dụ nói khói bụi chỉ ảnh hưởng bán kính 500 m, nhưng khói bụi gặp gió thì gần 100 hộ dân sống cách nhà máy 1km cũng sẽ chịu ảnh hưởng.”, ông Sơn cho hay.
Bà Nguyễn Thị Luyện lo lắng việc đền bù, tái định cư khi nhà máy thép đến. Ảnh: Sơn Thủy |
Bà Nguyễn Thị Luyện, một hộ dân nằm trong vùng dự án, phản ánh khu đất mà nhà máy thép dự kiến chuyển đến có vị trí "đẹp nhất nhì vùng Thạnh Mỹ", bởi quả đồi chủ yếu là đất không có đá, giáp với quốc lộ 14.
Về phần mình, bà Luyện lo lắng không biết khi thực hiện dự án thì 3 ha đất sản xuất, 5 ao cá của bà sẽ được đề bù như thế nào? "Nếu họ lấy đất, đưa gia đình đến vùng tái định cư, ở đó không có đất sản xuất thì gia đình biết sống ra sao”, bà Luyện nói.
Ông Mã Tiến Định và một số người dân địa phương khác cho biết cạnh khu vực quy hoạch đặt nhà máy thép đã có Nhà máy xi măng Xuân Thành, nước mưa theo khe, mương từ nhà máy xi măng chảy về ảnh hưởng đến nương rẫy khiến nhiều người dân bất bình, nay thêm nhà máy thép thì bà con càng khó đồng tình.
Vị trí ở khu vực thôn Hoa nơi nhà máy thép dự kiến chuyển đến. Ảnh: Sơn Thủy |
Trao đổi xung quanh việc nhà máy thép nghìn tỷ chuyển đến địa bàn, ông A Lăng Mai nhấn mạnh, muốn thay đổi miền núi thì phải có doanh nghiệp đầu tư, do vậy vừa qua Công ty thép Việt Pháp đặt vấn đề khảo sát muốn vào địa bàn huyện, "về tinh thần chúng tôi hoàn toàn ủng hộ". Quá trình khảo sát cho thấy thôn Hoa, nằm trong cụm công nghiệp Thạnh Mỹ, gần Nhà máy xi măng Xuân Thành, có quỹ đất phù hợp với hơn 17 ha.
"Sắt thép là lĩnh vực vực mới, từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp đầu tư nên chúng tôi rất lưu tâm", ông Mai nói.
Ngày 23/9, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký thông báo về việc thống nhất cho phép Công ty TNHH Thép Việt Pháp (chủ đầu tư) được chọn địa điểm để lập dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ với diện tích hơn 17 ha. Sau khi có dư luận lo ngại việc xây dựng nhà máy gây ô nhiễm, tỉnh Quảng Nam ra nhiều văn bản khẳng định nước thải sản xuất của nhà máy không thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn. Bụi, khí thải ra môi trường đạt quy chuẩn. |
Sơn Thủy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét