Trước việc TP HCM nghiên cứu đề án sáp nhập một số quận, phường nội đô để tinh giản biên chế, ngày 26/12 PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM) nói, ông ủng hộ ý tưởng này dù nó không mới, do thành phố từng đề xuất xây dựng chính quyền đô thị.
Sài Gòn là đô thị lớn, có địa hình phức tạp. Thời gian qua, 24 quận huyện đã làm khá tốt công tác an sinh xã hội nhưng sự phát triển kinh tế giữa các địa phương không đồng đều. "Do đó, việc sáp nhập quận huyện với nhau không chỉ hướng tới mục đích tinh giản biên chế mà trên hết là phát triển kinh tế, quản lý đô thị, phục vụ người dân tốt hơn", ông Hòa nói.
Đánh giá đây là một đề án lớn, ông Hòa khẳng định thành phố cần sự xem xét tổng thể và xin ý kiến người dân.
"Chúng ta phải chia thành những đề án nhỏ, nghiên cứu kỹ và thuyết phục được trung ương, sau đó thực hiện thí điểm ở một số khu vực trước khi làm đại trà", chuyên gia này nói và nhận định, sớm nhất đến năm 2020 thành phố có thể thực hiện thí điểm được một khu vực.
Với diện tích 4 km2, dân số khoảng 200.000, quận 4 chỉ cách quận 1 một con kênh. |
Đồng quan điểm, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, chủ trương sáp nhập một số quận để tinh giản biên chế, tạo hiệu quả trong quản lý chính quyền là một quan điểm tốt. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế làm ở quận nào phải có sự cân nhắc theo từng trường hợp, chứ không thể vội vàng làm theo kiểu "cứ ở gần nhau thì sáp nhập".
"Việc này ảnh hưởng khá lớn đến phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn cũng như chỉnh trang đô thị sau đó. Sự bất tiện chắc chắn sẽ có, song cũng có nhiều cái lợi khác. Nó có thể giúp việc quản lý hiệu quả hơn", ông Sơn đánh giá.
Theo ông Sơn, khi sáp nhập phải xem xét kỹ từng trường hợp. Ví dụ, TP HCM cho sáp nhập quận 4 vào quận 1 sẽ tạo cho quận 1 gánh nặng. Một khi quận 4 được mang tên quận 1 chắc chắn giá đất ở đây sẽ tăng vọt, gây khó khăn cho việc chỉnh trang.
"Đây sẽ là gánh nặng cho quận mới sau khi sáp nhập. Quận 1 có giá đất đắt nhất thành phố, giá đền bù giải tỏa khu vực vừa sáp nhập vào vì thế sẽ tăng lên rất nhiều, chỉ vì cái tên. Vì vậy, quá trình nghiên cứu cơ quan chức năng có thể cân nhắc nên sáp nhập quận 4 vào quận 2 hay quận 7 nữa", ông Sơn nêu quan điểm.
Đơn vị nghiên cứu cũng phải cân nhắc đến tương lai phát triển và quản lý đơn vị sau khi sáp nhập, ông Sơn lưu ý. Phải xem giảm biên chế chỉ là một trong nhiều yếu tố chứ không phải là yếu tố quan trọng nhất nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng và cụ thể đối với từng trường hợp, nếu cứng nhắc chắc chắn sẽ rất nguy hiểm.
Cũng cho rằng sáp nhập một số địa phương là cần thiết, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP HCM Lê Văn Năm cho rằng, việc này nhằm tổ chức bộ máy tốt hơn với sự phân quyền, phân cấp cụ thể. Ông cũng đưa ra hai ý tưởng về phương án sáp nhập các quận huyện: nhập các đơn vị có vị trí sát nhau; cân đối, sắp xếp lại các quận nội thành sao cho hợp lý nhất.
"Khi nghiên cứu, thành phố phải chú ý bảo tồn yếu tố lịch sử, văn hóa của mỗi quận, huyện. Đây là việc hệ trọng nên cần hỏi ý kiến người dân", ông Năm nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nói rằng, chia tách hay sáp nhập quận huyện tại một đô thị lớn là việc bình thường, tùy theo mỗi giai đoạn phát triển. Như trước đây thành phố đã từng tách các quận, huyện lớn như Tân Bình, Thủ Đức, Hóc Môn.
"Sáp nhập nên nhìn trên bình diện tổng thể ở mọi yếu tố như kinh tế, dân số, giao thông, hạ tầng... Do đó, thành phố phải có được quy hoạch tổng thể rồi mới tính đến việc sáp nhập, tránh việc thực hiện manh mún", ông Đực đề xuất.
Mạnh Tùng - Hữu Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét