Sau hơn 2 tháng thực hiện lệnh điều chỉnh luồng tuyến xe khách liên tỉnh, đại diện các nhà xe và lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội có cuộc "nảy lửa" vào chiều 1/3, tuy nhiên hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Góp ý kiến vào vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội) đánh giá chủ trương điều chuyển luồng tuyến là đúng đắn, giúp giảm áp lực giao thông cho tuyến vành đai 3 Thủ đô. Tuy nhiên, cách thực hiện điều chuyển của Hà Nội chưa đồng bộ và hợp lý.
Ông Liên cho rằng, các nhà xe đang hoạt động ở bến Mỹ Đình không muốn bị chuyển về bến Nước Ngầm, do Nước Ngầm nằm ở phía nam thành phố, khó thu hút hành khách cư trú ở phía bắc, phía tây Hà Nội.
"Muốn đến bến Nước Ngầm thì nhiều người phải đi taxi tốn kém, hoặc xe buýt nhưng không thuận lợi vì phải di chuyển 2- 3 tuyến buýt mới đến được bến xe. Do đó, việc chuyển bến xe phát sinh chi phí đi lại và thời gian di chuyển", ông Liên phân tích.
Đồng quan điểm với ông Liên, TS Đinh Thị Thanh Bình (Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông, ĐH Giao thông) nhận định việc điều chuyển luồng tuyến chưa chuẩn bị tốt về thông tin cho hành khách. Trước khi chuyến bến, thành phố nên dành vài tháng hướng dẫn nhà xe thông báo, tuyên truyền cho hành khách để họ không bất ngờ và chuẩn bị tốt tâm lý tham gia giao thông với xe khách liên tỉnh ở bến mới.
Gần 100 nhà xe tập trung phản đối lệnh điều chuyển tuyến xe của Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: Quang Chiến |
Để việc điều chuyển luồng tuyến thuận lợi hơn, các chuyên gia đều cho rằng Hà Nội cần mạnh tay dẹp nạn bến cóc, xe dù. Theo ông Liên, sau khi điều chuyển luồng tuyến, nhiều nhà xe thấy nguy cơ ế khách đã trả phù hiệu xe chạy tuyến cố định để làm xe dù, tự đón trả khách ở nhiều nơi trong thành phố. Hiện các bến cóc phát sinh ở khu vực bệnh viện Bạch Mai, công viên Thống Nhất, quanh bến xe Mỹ Đình...
"Gần đây 7 xe khách của một hợp tác xã ở Hà Nội đã bỏ bến ra ngoài chạy dù. Các xe này ngang nhiên đón khách trong trung tâm thành phố, chạy khắp nơi mà ít khi bị phạt", ông Liên thông tin.
TS Bình cảnh báo tình trạng xe khách "đội lốt" xe hợp đồng tham gia vận tải tuyến liên tỉnh, đưa đón hành khách tận cửa ngày càng gia tăng, đã cạnh tranh với xe tuyến cố định.
"Doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ điều chuyển thì lỗ nặng, còn nhà xe bỏ bến thành xe dù đón khách ngoài đường lại sống khỏe. Do vậy dẹp xe dù, bến cóc thì các nhà xe mới yên tâm vào tuyến cố định", bà Bình nêu quan điểm.
Ông Bùi Danh Liên cũng cho biết, một đơn vị thuộc Hiệp hội muốn chuyển 15 ôtô khách thành xe buýt chạy thẳng (không dừng đỗ ở các điểm) từ khu dân cư đến bến xe Mỹ Đình và Nước Ngầm, để giúp hành khách thuận lợi hơn trong di chuyển đến bến xe. Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị kéo dài thời gian hoạt động xe buýt để phục vụ hành khách đi lại ban đêm.
Doanh nghiệp phản ứng khi đối thoại với lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) nhìn nhận lệnh điều chuyển luồng tuyền của Hà Nội chưa hài hòa lợi ích của các bên liên quan, trong đó có đông đảo nhà xe lâu nay hoạt động ổn định ở bến Mỹ Đình.
Theo ông, Hà Nội nên nghiên cứu lại việc điều chỉnh luồng tuyến và đưa ra lộ trình cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. "Khi điều chuyển các nhà xe sang bến mới, họ phải được bình đẳng về thời gian vào bến, xuất bến như các doanh nghiệp đã hoạt động ở đó. Ngoài ra cần có chi phí bến bãi hợp lý để hỗ trợ nhà xe", ông nói.
Nhà xe phản đối điều chuyển tuyến ngày 28/2.
Trước đó ngày 2/1, Sở Giao thông Hà Nội thực hiện điều chuyển tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa và ngược lại theo quy hoạch luồng tuyến giao thông.
Lãnh đạo Sở Giao thông cho hay, một trong những mục tiêu quan trọng của việc điều chuyển là để giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô.
Việc điều chuyển vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều nhà xe từ cuối năm 2016 đến nay.
Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông và UBND thành phố Hà Nội họp với các doanh nghiệp, xem xét việc điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến, báo cáo Thủ tướng trước 10/3.
Đoàn Loan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét