Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Chương I

Những người Việt Nam mới

“Giống bố lắm” - ông Shimizu đưa tay chạm lên khuôn mặt đứa con gái lớn. Cặp má phính của con giống hệt ông. “Nhưng hồi bé hay khóc” - ông trách yêu con, bằng chút vốn tiếng Việt còn lại.

“Không phải hồi bé con mới khóc đâu. Bây giờ con vẫn hay khóc” - bà Phương nghèn nghẹn trả lời - “Bao nhiêu năm con chẳng thấy bố đâu”.

Gia đình ông Shimizu - Nguyễn Văn Đức trước ngày chia tay

Đó là năm 2006, cha con họ gặp lại sau 52 năm xa cách. Từng ấy năm, bao nhiêu lần chị em bà Phương đã khóc vì tủi thân. Bốn mẹ con đã lủi thủi làm lụng tự nuôi nhau, qua những ngày tháng chiến tranh đói khổ. Ký ức sâu đậm nhất về người cha còn trong bà, chỉ tồn tại qua một bức ảnh gia đình.

Bức ảnh ấy được chụp đúng một ngày trước khi ông ra đi. Trong ảnh, Phương chỉ là một cô bé 6 tuổi trong chiếc váy dài học sinh. Cha bà đang bế em Phi trên tay. Còn bà Xuân, người mẹ đứng cười hiền lành bên cạnh chồng. Người con út, ông Bình, vẫn đang nằm trong bụng mẹ.

Một ngày sau khi chụp bức ảnh ấy, ông đi. Không ai nghĩ rằng rồi họ sẽ không gặp nhau trong hơn nửa thế kỷ nữa.

Trong hơn nửa thế kỷ ấy, ông Shimizu ở Nhật và tin rằng vợ con mình đã chết. Những đứa con của ông ở lại Việt Nam, cũng nghĩ rằng cha mình đã mất.

Bà Phương và các em mang số phận rất riêng của những đứa con lai Việt-Nhật giai đoạn ấy - con của một người lính từng phục vụ trong quân đội "đế quốc Nhật".

Hải Phòng, năm 1944, trong một nhà hàng đầu phố Cầu Đất, chàng lính Nhật làm quen với cô phục vụ bàn người Việt Nam.

“Cô đã có người yêu chưa?” - cô gái vẫn nhớ câu đầu tiên anh lính hỏi mình. “Chưa” - cô trả lời. “Thế thì tôi yêu cô” - anh lính bạo dạn.

Và chuyện tình của họ bắt đầu. Những lá thư đi lại giữa doanh trại quân Nhật và cái nhà hàng nhìn ra Nhà hát thành phố. Nếu anh không thể đến, sẽ nhờ bạn bè trao thư cho người yêu. Cô đọc tiếng Nhật bập bõm.

Sau hơn 70 năm, bà Xuân vẫn nhớ từng địa danh mà họ đã dắt tay nhau đi chơi những ngày yêu đương. “Nhà cậu ở đâu?” - bà hỏi tôi - “Ở Cấm à, thế là gần chùa Đỏ, chùa Vẽ đấy. Ngày xưa ông ấy dắt tôi đi chùa Đỏ, chùa Vẽ cả rồi”.

"Chẳng có ai thay thế được ông ấy với tôi"

Bà Nguyễn Thị Xuân

Đi vào thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh ở ngoại thành Hà Nội bây giờ, để tìm nhà bà Xuân, vẫn phải hỏi người làng về “bà Xuân Nhật”, người ta mới nhớ ra. Từ cuộc làm quen trên phố Cầu Đất năm ấy, cái tên đã gắn với cả đời bà.

Họ cưới nhau đầu năm 1945. Rồi cách mạng tháng Tám diễn ra. Phát xít Nhật tháo chạy khỏi Đông Dương. Nhưng anh lính trẻ Shimizu Yoshiharu đã quyết định rằng mình sẽ không về lại quê hương. Anh ở lại với vợ mình. Shimizu Yoshiharu gia nhập Việt Minh, rồi đổi sang một cái tên Việt Nam, Nguyễn Văn Đức.

Shimizu không phải là một trường hợp cá biệt.

Đã có hơn 600 người lính Nhật Bản quyết định không quay về sau tháng 8/1945. Họ ở lại, gia nhập Việt Minh và trở thành những người huấn luyện vũ khí, chiến thuật cho bộ đội. Chính phủ Hồ Chí Minh gọi họ là những “Người Việt Nam mới”.

Ở Hà Nội bây giờ, bạn vẫn có thể gặp con cháu của những người lính Nhật đã quyết định ở lại như thế. Họ là Motoyama Kyuzou - Hoàng Văn Hạc; là Yashuzo Hariki - Nguyễn Minh Thái, mỗi người trong số họ đều để lại nơi này một gia đình, và nhiều số phận.

Tháng 11/1946, cách nơi mà cô gái trẻ Nguyễn Thị Xuân và anh lính Shimizu gặp nhau chỉ vài trăm mét, tại các địa điểm trọng yếu như Ga và Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, tiếng súng đầu tiên khởi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra.

Và bắt đầu từ đó, bắt đầu một guồng xoáy mới, khắc nghiệt của lịch sử - mà những gia đình Nhật-Việt này trở thành những ảnh chiếu nhỏ của một thời kỳ đầy biến động.

“Làm gì có ai thay được ông ấy” - bà Xuân nói, khi được hỏi rằng tại sao, bà ở vậy nuôi con suốt mấy chục năm, không đi bước nữa. Những ông chồng Nhật Bản hiện lên trong ký ức của vợ con đầy mẫu mực.

Người Việt Nam mới Nguyễn Văn Đức bắt đầu sự nghiệp cách mạng tại Việt Nam bằng việc gia nhập vệ quốc đoàn tại Hải Phòng. “Ông ấy rút lui cuối cùng đấy” - người phụ nữ nay đã 94 tuổi kể về 7 ngày đêm bảo vệ thành phố Cảng năm 1946. Trong suốt những năm sau đó, bà theo chân chồng đi khắp các vùng chiến khu. Đó là một người đàn ông hiền lành, chăm chỉ và yêu thương vợ con, bà nói.

Bà Mỹ, vợ của ông Yashuzo Hariki - Nguyễn Minh Thái, vẫn nhớ những chuyến đi chơi công viên của cả gia đình từ 40 năm trước. “Ông ấy nghiêm khắc lắm, nhưng chẳng bao giờ đánh con” - bà nhớ. Chỉ có một lần, người con trai, nay cũng đã ở tuổi ngoài 60, nhắc bà. Lần ấy, anh ăn quỵt kẹo của người ta, bị đến nhà đòi.

Gia đình ông Motoyama Kyuzou - Hoàng Văn Hạc

Con cháu của gia đình ông Motoyama Kyuzou - Hoàng Văn Hạc thì lưu giữ những kỷ niệm về tình yêu thời chiến tranh của ông bà mình. Thời ấy, giữa hậu phương và tiền tuyến, có những ngày họ đi bộ hàng chục cây số chỉ để gặp nhau một lúc. Họ ôm, và hôn nhau vội vàng, rồi quay trở lại với nhiệm vụ.

Đồng đội vẫn nghẹn lời khi nhớ đến những người chỉ huy cũ. Những cựu chiến binh Đồng Hỷ khóc, khi kể về đại đội phó hiền lành Hoàng Văn Hạc, người đã dạy họ cầm súng.

Rất nhiều đứa cháu của họ, thế hệ thứ ba của những người Việt Nam mới trên đất Việt Nam, được đặt tên là Anh Đào. Con cái của những người lính Nhật ấy, giữ sự tự hào về tính cách của cha, và gửi gắm chúng qua tên của những đứa con.

Nhưng những gia đình “người Việt Nam mới” không thể tưởng tượng được rằng chính 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, lại là quãng thời gian đẹp nhất của tình yêu.

Sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc, những ngã rẽ bắt đầu.

Chương II

Cánh anh đào sau rặng tre

Buổi sáng ngày ông Đức lên xe quay trở về Nhật, bà Xuân không khóc.

Năm 1954, Hội chữ thập Đỏ Nhật Bản đề xuất đưa những cựu binh Nhật Bản trên đất Việt Nam về nước. Trong chuyến đi đó, 71 người lính Nhật hồi hương. Nhưng họ không được đưa gia đình đi cùng.

Thời ấy, tương lai vô định. Ông Đức chỉ mơ hồ nhận ra rằng có thể họ sẽ không gặp lại nhau nữa.

"Nếu một năm nữa, tôi không thể quay trở về, thì em và các con phải tự lo cho nhau"Ông Đức dặn vợ

Nhiều người đã quay trở về với một niềm tin mong manh rằng có thể đón vợ con sang cùng. Nhưng điều đó không diễn ra: họ gần như mất liên lạc ngay sau đó. Và cũng như nhiều người, ông Đức tin rằng vợ con mình đã chết trong những đợt ném bom miền Bắc của Hoa Kỳ vào năm 1965.

Ở phía này, sau 6 năm ngóng đợi, bà Xuân bắt đầu làm cơm giỗ chồng. Bà có một bức ảnh nhòe ông chụp cùng đồng đội thời đi chiến đấu, tách ra làm ảnh thờ. Bây giờ, ảnh ấy vẫn treo ngay đầu giường.

Họ chỉ cảm thấy buồn vì nhớ cha. Bà Xuân đã từng cơm đùm cơm nắm ra Hà Nội rất nhiều lần, thậm chí gõ cửa cả văn phòng của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để cầu khẩn thông tin của người chồng. Nhưng lúc ấy, là thời chiến tranh, chẳng ai biết giúp bà ra sao. Bà không còn cách nào khác ngoài tự nói rằng ông đã chết.

Có nhiều người khác, không chịu được việc rời xa vợ con. Ông Hoàng Văn Hạc và ông Nguyễn Minh Thái từ chối về nước năm 1954. Gia đình họ đùm nắm kéo nhau lên rừng, làm kinh tế mới.

Những người đàn ông Nhật, cũng như mọi con người Việt Nam trong giai đoạn khó khăn của đất nước, xoay xỏa đủ nghề. Họ làm ruộng, mở lò rèn, làm hàng xáo, lên rừng lấy nâu lấy vỏ. Năm mươi năm sau, dân làng nhắc đến ông Hạc vẫn nhớ. Họ cùng sống với nhau qua những ngày gian khó.

Đến năm 1960, trong lần tổ chức về nước cuối cùng, phía Nhật Bản quyết định rằng các cựu binh này sẽ được đem vợ con về cùng. Nhưng rồi vì rất nhiều lý do, những chuyến hồi hương cũng không trọn vẹn. Vẫn có những đứa trẻ bơ vơ ở lại.

Bà Mỹ - vợ ông Nguyễn Minh Thái ngắm lại những bức ảnh kỷ niệm

Sau năm 1954, Việt Nam chia cắt bởi một cuộc chiến có tiếng súng. Còn cả thế giới chia cắt trong một cuộc chiến của ý thức hệ. Việt Nam ở bên trái, Mỹ ở bên phải. Và Nhật Bản, vì hoàn cảnh lịch sử của họ, phải ở cùng bên với Mỹ. Hơn thế, trong ký ức của một thế hệ, “phát xít Nhật” - lực lượng được cho là đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu - chưa bao giờ là bạn. Đóng góp nhỏ bé của những người như cha ông Nam, không thay đổi được ấn tượng ấy.

Những khao khát đóng góp cho Việt Nam của anh công nhân nông trường chè Hoàng Xuân Nam nhận được chung một câu trả lời kỳ thị.

Nam - con ông Hoàng Xuân Hạc - đã ở lại năm 1960 để chăm sóc cho bà ngoại. Cả gia đình anh về Nhật Bản, nhưng buộc phải để lại người con trai trưởng vì bà chỉ còn có một mình. Anh là một phần của một cộng đồng, những đứa con, vì nhiều lý do, không thể theo cha trở lại Nhật. Những đứa trẻ thiếu thốn tính cảm của cha từ bé, quần tụ lại và coi nhau như anh em.

Ông Nam không kể nhiều cho con cái những gì mình trải qua thời thanh niên. Nhưng họ cảm nhận được sự kỳ thị ám ảnh.

Chị Hoàng Thị Thanh Hoài, con gái thứ tư của ông Nam vẫn nhớ, đến tận năm cấp 2, tức là thập kỷ 80, ở trường, chị vẫn bị chúng bạn phân biệt.

"Người ta còn cấm con cái chơi với mình"chị Hoài nhớ lại

Có lần, cô bé Hoài đã đánh nhau trong lớp vì sự kỳ thị ấy. Và cô vẫn nhớ, về mùa Hè năm 1988, khi nhìn chị gái mình ngồi khóc, vì những lời đàm tiếu của dân làng.

Năm ấy, Anh Đào được thông báo trúng tuyển Đại học Y Hà Nội từ trước đó một tháng, nhưng chờ mãi, cũng không thấy giấy gọi nhập học đâu. Những tân sinh viên cùng lứa đã lên trường.

Và rồi cuộc đợi chờ hóa thành tuyệt vọng. Ông Nam lên ban tuyển sinh hỏi, và được người ta trả lời: có khiếu nại về nguồn gốc xuất thân.

Trong trí nhớ của người thân, khi ấy Anh Đào đã khóc mãi. Cô thiếu nữ bị kỳ thị, dường như bởi chính cái tên của mình. Cha cô đã đặt cho cô cái tên ấy, Anh Đào để nhớ nguồn gốc của gia đình, về quê hương của cha ông.

Những người con trai nuốt vào trong. Những người con gái, cũng có khi khóc vì tủi thân. Chị Phương, con bà Xuân và ông Đức, kể về những ngày tham gia chiến tranh, dẫu nhiệt tình bao nhiêu, cũng bị thứ chủ nghĩa lý lịch trong tâm tưởng của làng quê đeo bám.

Không một ai, những người mẹ và đứa con ở lại, không nhận ra sự phân biệt đối xử ấy. Người ta nói thẳng vào mặt họ.

Bây giờ nhìn lại, hầu hết đều tặc lưỡi. Làng quê khi ấy mang những định kiến nặng nề, và con cái của những người lính Nhật ở lại vẫn chưa phải là thành phần thiệt thòi nhất. Họ không đặt ra những chữ “nếu”, cũng không trách cứ thời đại.

Nhưng cũng có những người chưa bao giờ thôi tủi thân dù nửa thế kỷ đã trôi qua.

“Các anh gọi muộn quá” - một người con thế hệ ấy trả lời, khi tôi gọi và đề nghị phỏng vấn. Rồi cúp máy.

Lúc ấy là 2h30’ chiều, và chữ “muộn” ấy không nói về thời điểm trong ngày. Nó nói đến thời điểm trong đời.

Người đàn ông ấy, cũng đã đặt tên con mình là Anh Đào - dù chưa bao giờ được đặt chân lên nước Nhật, quê nội của mình.

Chương III

Đoàn tụ

“Vì quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bình thường hóa khá muộn sau chiến tranh, nhóm đối tượng này lại nhỏ, nên bản thân trong lòng nước Nhật cũng không nhiều người biết đến câu chuyện của họ” - Tai Okada, một học giả cũng mang trong mình 2 dòng máu Việt-Nhật nói.

Khác với những tranh cãi về lính Nhật tại Hàn Quốc và Trung Quốc, thì câu chuyện ở Việt Nam, chỉ đơn thuần là một sự lãng quên, ông Okada nhận định.

Những nốt trầm trong hơn nửa thế kỷ về mối quan hệ của hai dân tộc, được phản chiếu qua số phận của những gia đình người Việt Nam mới.

Ngày 5/12/1995, ông Hoàng Xuân Nam đến Fukuoka lần đầu tiên, để gặp lại cha mẹ và các em mình. 35 năm đã trôi qua.

Đó là một chuyến đi háo hức. Trên đường đi, ông kể với các con, về những kỷ niệm thời thơ ấu, anh em đi chăn trâu lấy củi, về những trận đánh nhau còn để lại sẹo trên đầu.

Nhưng gặp nhau rồi, giữa họ là 35 năm chia cắt. Họ không thể nói chuyện với nhau: những đứa em chăn trâu cắt cỏ của ông Nam không còn nói được tiếng Việt. Anh em họ, chỉ biết ôm nhau khóc.

Ông Nam, ông Hạc và chị Hoài trong cuộc đoàn tụ năm 1995

Chứng kiến cuộc đoàn tụ không trọn vẹn ấy, là Hoàng Thị Thanh Hoài, con gái thứ tư của ông Nam. Cô theo bố sang Nhật để gặp ông nội lần đầu tiên, nhưng nhận ra rằng đã có những vết nứt không thể lấp đầy.

Ngày hôm ấy trở thành bước ngoặt trong cuộc đời cô. Hoài chú tâm học tiếng Nhật, và tự gán cho mình trách nhiệm phải trở thành cầu nối giữa hai nước. Bây giờ, Hoài là một nòng cốt trong chương trình của Quỹ phòng chống mù lòa châu Á tại Việt Nam - giúp các bác sỹ Nhật Bản mổ mắt miễn phí cho người nghèo Việt Nam.

Bất chấp những sự kỳ thị, những gia đình người Việt Nam mới vẫn giữ chặt ý thức về dòng máu Nhật trong người. Và điều đó khiến cho thế hệ thứ 3 của họ, khi định kiến ấu trĩ đã không còn sau thời mở cửa, trở thành những kết nối Việt-Nhật.

Cháu nội của ông Yashuzo Hariki - Nguyễn Minh Thái, bây giờ sống ở Nhật. Con trai của ông Thái - ông Dũng - thậm chí không còn muốn nhắc đến những ngày xa cách. Ông luôn tìm cách chen vào giữa câu chuyện của bà cụ, để kể về niềm tự hào mà đứa con gái lớn đang ở trên đất Nhật mang lại cho mình.

Gia đình bà Xuân thì khác. Năm 2006, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, gia đình họ tìm được nhau. Ông Đức trở lại Việt Nam. Họ cùng mặc chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam, cùng chụp với nhau một bức ảnh - mà bây giờ được treo rất trang trọng trong căn phòng nhỏ của bà.

Ông Đức mất sau khi trở về Nhật từ chuyến ấy vài năm. Nhưng thế là an lòng với những đứa con ông.

Bao nhiêu khó khăn và chia cách, họ đều đã vượt qua. Bây giờ, họ hài lòng chỉ với một lần gặp lại.

Đức Hoàng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật trong tuần

Đối tác

Mời các bạn ghé thăm:
Bảo Châu ELEC chuyên cung cấp lắp đặt các hệ thống Audio chuyên nghiệp như:
Loa klipsch

Tham khảo thêm Loa klipsch hay, giá rẻ khác


Loa Klipsch chính hãng, nghe nhạc cực hay, xem phim cực chất, đa dạng mẫu mã, giá tốt nhất tại Việt Nam.
Xem thêm nhiều loa Jamo chính hãng, giá tốt khác

Xem thêm nhiều loa Jamo chính hãng, giá tốt khác


Bảo Châu Elec - hệ thống chuỗi cửa hàng âm thanh hiện đại hàng đầu tại Việt Nam. Hiện đang cung cấp dòng loa Jamo chính hãng với giá cực tốt. Quý khách đang có nhu cầu sở hữu dòng loa nghe nhạc đỉnh cao, âm thanh chất lượng, kiểu dáng sang trọng này hãy xem thêm tại đây.