Phạm Quế Anh (lớp 10A2 trường THPT Chi Lăng, Lạng Sơn) có đôi mắt đen nhánh, dáng nhanh nhẹn, không ai nghĩ em lại mắc bệnh xương thủy tinh. “Lần đầu tiên em gãy tay là năm 4 tuổi, sau đó mỗi lần chơi cùng bạn bị ngã, em lại phải đi bệnh viện bó bột tay, hoặc chân. Tổng cộng em gãy xương 8 lần, có lần 6 tháng sau vết thương mới lành”, Quế Anh nhớ lại.
Bị xương thủy tinh ở thể nhẹ nhất, hàng ngày Quế Anh vẫn có thể đạp xe tới trường. Quãng đường từ nhà tới trường khoảng 3 km, để đến lớp đúng giờ em phải đi thật sớm vì không dám chạy xe nhanh, sợ va chạm với người khác.
Ở tuổi 16, Quế Anh cũng hăng hái tham gia sinh hoạt Đoàn, hoạt động tập thể. Nhưng nhắc tới các trò chơi và môn thể dục, Quế Anh tỏ ra buồn bã. Khi bạn bè rủ rê chơi nhảy dây, đánh bóng chuyền, cầu lông... em rất muốn chạy lại cùng vui, nhưng những đau đớn khi gãy xương vẫn ám ảnh khiến em lo sợ.
9 năm liền Quế Anh đạt danh hiệu học sinh giỏi, em mơ ước sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh xương thủy tinh. Ảnh. Hồng Vân |
Quế Anh thích nhất là học các môn tự nhiên, 9 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, chuyển cấp lên lớp 10 em mạnh dạn nộp nguyện vọng xin vào lớp chọn ban Tự nhiên. “Em mơ ước sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những em bé mắc bệnh xương thủy tinh giống mình", Quế Anh bẽn lẽn chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo của xã, bố mắc bệnh thần kinh tọa mãn tính không thể lao động nặng, chi tiêu trong nhà phụ thuộc cả vào số tiền làm thuê ít ỏi của mẹ em và 2 sào ruộng.
Chị Phùng Lệ Hương, mẹ Quế Anh cho biết, ban đầu người nhà chỉ nghĩ em nô đùa không may ngã gãy xương. Tuy nhiên, số lần em phải đến bệnh viện bó bột tay, chân trở nên dày hơn, có khi tay vừa lành lặn thì chân lại gãy. Mắc căn bệnh này nên trông em nhỏ bé hơn các bạn cùng lứa tuổi.
“Từ bé mọi người trong xóm đã gọi Quế Anh là xương thủy tinh nhưng vợ chồng tôi không có điều kiện đưa con đi kiểm tra, chỉ nhắc cháu cẩn thận. Nhìn con gãy xương chúng tôi cũng xót ruột lắm, năm ngoái gom góp vay mượn đủ tiền đưa cháu đi khám và có kết luận chính thức là con mắc bệnh xương thủy tinh”, chị Hương ngậm ngùi kể.
Thương bố mẹ vất vả, mỗi khi đi học về Quế Anh lại phụ mẹ lo cơm nước, các việc nhẹ nhàng em có thể làm được. “Bố mẹ không cho em làm việc nhà đâu, em thấy một mình mẹ vất vả quá, việc nào đơn giản trong khả năng thì em vẫn cố gắng giúp bố mẹ”, cô bé chia sẻ.
Nhận xét về cô bé xương thủy tinh, cô giáo Phùng Thị Chung (Phó hiệu trưởng trường THPT Chi Lăng) cho biết, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Quế Anh không lành lặn như các bạn, nhưng chưa bao giờ em tới lớp muộn, nghiêm túc trong học tập và được bạn bè yêu mến. Thầy cô trong trường cũng tạo điều kiện để em được đến lớp và tham gia các hoạt động tập thể.
Hồng Vân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét