Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến (cũng có sách ghi là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết), sinh năm 1044, là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi, ngoại thành Thăng Long thời Lý (nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Theo sử cũ, mùa xuân năm 1063, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai nên ông đi cầu tự khắp các miếu chùa. Khi vua đi qua chùa Dâu (phủ Thuận Thành), dân làng nô nức đến xem, riêng có người con gái 19 tuổi vẫn thản nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan.
Vua cho gọi, hỏi vì sao không nghênh giá, nàng trả lời: "Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước mà nhìn mặt rồng". Vua cảm mến nên đã đưa Yến về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân (chữ "ỷ lan" nghĩa là tựa gốc cây lan).
Tượng Hoàng thái hậu Ỷ Lan ở chùa "Linh Nhân Từ Phúc Tự" tại Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Panoramio |
Việc này, Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tục truyền, vua (Lý Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân..."
Ỷ Lan không trau chuốt nhan sắc để chiếm cảm tình của vua mà quan tâm đến việc triều đình. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách nên chỉ trong thời gian ngắn đã hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt, khiến mọi người kinh ngạc, bái phục.
Ba năm sau, Ỷ Lan sinh được hoàng tử lấy tên là Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông sau này). Vua càng thêm yêu và phong Ỷ Lan làm Nguyên phi - đứng đầu các cung phi, chỉ sau hoàng hậu, còn con trai được lập làm thái tử.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam, dù trong triều có Tể tướng Lý Đạo Thành và hoàng hậu Thượng Dương, nhưng vua chỉ tin tưởng giao quyền nhiếp chính cho Nguyên phi Ỷ Lan, nghĩa là bà được toàn quyền quyết định khi vua vắng mặt.
Ra trận, Thánh Tông đánh mãi không được, bèn lui binh. Khi đem quân về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên), thì nghe tin Nguyên phi Ỷ Lan trị nước rất giỏi, khiến dân hòa hiệp, cõi nước thanh bình. Dân yêu mến, tôn bà là "Quan Âm". Thánh Tông nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc hay sao". Nói rồi cho quân quay lại đánh tiếp và thắng trận giòn giã.
Cồng cụm đền chùa nơi tưởng niệm Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Ảnh: Panoramio |
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, thái tử Càn Đức lên ngôi mới 7 tuổi. Triều Lý không tránh khỏi rối ren. Nhưng khi Ỷ Lan trở thành hoàng thái hậu nhiếp chính thì nước Đại Việt nhanh chóng ổn định. Bà đã thi hành những biện pháp dựng nước, yên dân, khiến cho thế nước mạnh hẳn lên. Nhờ vậy, năm 1077 khi nhà Tống đem đại binh sang xâm lược, Ỷ Lan đã huy động cả dân tộc đoàn kết đánh bại quân thù.
Theo các nhà sử học, Thái hậu Ỷ Lan đã biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hiềm khích cá nhân. Bà đã bỏ qua hiềm khích cũ và triệu Lý Đạo Thành (vốn theo phe Thái hậu Thượng Dương) về kinh giao trông lo việc nội chính để Lý Thường Kiệt tập trung đánh giặc ngoại xâm. Triều đình dưới quyền Ỷ Lan, văn có Lý Đạo Thành còn võ thì có Lý Thường Kiệt nên đất nước được hưng thịnh.
Năm 1103, Thái hậu Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ cho nhà giàu rồi đem họ gả cho những người đàn ông góa vợ. Bàn về sự kiện này, sử thần ngô Sĩ Liên nói: "Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy!"
Theo sử cũ, Ỷ Lan không những sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, chăm lo mở mang dân trí mà còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân. Bà khuyên vua làm điều thiện, trị điều ác. Bà hiểu những gian nan của nông dân khi không có trâu cày nên đã bảo vua phạt tội nặng những kẻ trộm trâu và giết trâu bừa bãi.
Bà không chỉ giỏi việc nước, mà còn đảm việc nhà khi đã đào tạo nên một vị minh quân như vua Lý Nhân Tông. Các bộ sử đều ghi lại việc đất nước phát triển phồn thịnh về mọi mặt dưới thời Lý Nhân Tông. Đặc biệt, vào năm 1075, triều đình cho mở khoa thi tam trường, kỳ thi đầu tiên ở nước ta. Một năm sau, triều đình lập Quốc Tử Giám, được xem là đại học đầu tiên của nước ta. Nền giáo dục Nho học của nước Việt bắt đầu từ đó.
Lễ hội truyền thống Đền Nguyên Phi Ỷ Lan và Kỷ niệm 950 năm ngày đăng quang Nguyên Phi Ỷ Lan được tổ chức trong 3 ngày 30, 31/3 và 1/4/2013. Ảnh: gialam.gov.vn |
Tài chính trị kiệt xuất của Ỷ Lan có thể tóm lược qua câu trả lời của bà khi được vua Thánh Tông hỏi về việc trị quốc, được sử cũ chép lại như sau: "Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh".
Tuy nhiên, dù là người có công lớn đối với sự hưng thịnh của nước Đại Việt dưới triều Lý nhưng Ỷ Lan có một "vết nhơ" bị giới sử học phê phán và chính bản thân bà được cho là đã vô cùng sám hối về tội lỗi của mình nên đã tích đức, làm việc thiện và xây nhiều chùa đến tận cuối đời.
Đó là khi vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức (Lý Nhân Tông) lên ngôi, theo luật lệ, Thượng Dương hoàng hậu được phong làm Thái hậu, được cùng dự việc triều chính vì vua còn nhỏ. Còn Ỷ Lan, chỉ được tôn làm Thái phi, không được xen vào việc triều chính.
Nhưng với lợi thế là mẹ đẻ của vua, cùng sự trợ giúp của Thái úy Lý Thường Kiệt, bà đã khiến Nhân Tông ra chiếu chỉ phế truất Thượng Dương thái hậu và giam vào lãnh cung cùng 72 cung nhân khác. Đến khi phát tang chôn cất Thánh Tông hoàng đế, Thái hậu cùng các cung nhân bị buộc phải chôn theo. Sau đó, vua Nhân Tông phong cho Ỷ Lan làm Linh Nhân Thái Hậu nắm quyền buông rèm nhiếp chính.
Năm 1117, Thái hậu Ỷ Lan mất, thọ hơn 70 tuổi, được vua Nhân Tông dâng thụy hiệu là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Đền thờ chính của bà hiện ở Gia Lâm, Hà Nội, được đặt tại chùa "Linh Nhân Từ Phúc Tự" (dân gian thường gọi là "chùa Bà Tấm"), do bà xây dựng trước đó hai năm. Từ đó đến nay, cụm đền chùa này là nơi thờ Phật, và cũng là nơi tưởng niệm bà.
Trung Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét