Chiều 27/7, Quốc hội thông qua nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016" và " Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016".
Một số đại biểu đã đề nghị Quốc hội giám sát tối cao Formosa sau sự cố môi trường. Ảnh minh họa: Đức Hùng. |
Liên quan đến đề nghị giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường do tập đoàn Formosa Hà Tĩnh gây ra tại một số tỉnh miền Trung, UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy, vấn đề môi trường trong việc thực hiện các dự án trong nước và có vốn nước ngoài rất bức xúc, được dư luận quan tâm, do còn nhiều bất cập. Ô nhiễm do Formosa gây ra không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm nghìn người dân miền Trung mà còn tác động nhất định đến kinh tế - xã hội trong cả nước.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, năm 2011, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Năm 2012, Thường vụ Quốc hội cũng đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. "Các kết luận, kiến nghị của những đoàn giám sát này đang được triển khai. Với sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, phát hiện nguyên nhân, khắc phục hậu quả", ông Phúc cho hay.
Để có thêm cơ sở xem xét, đánh giá vấn đề này, Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, báo cáo kết quả cho Quốc hội.
Như vậy, theo giải trình của Thường vụ Quốc hội, việc giám sát hoạt động của Formosa Hà Tĩnh hiện do một cơ quan của Quốc hội thực hiện, hai cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2017 không có nội dung liên quan đến sự cố môi trường biển do tập đoàn này gây ra.
Trước đó ngày 25/7, tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội giám sát dự án đầu tư nước ngoài gây hại tới môi trường, trọng điểm là dự án Formosa Hà Tĩnh.
Ủng hộ đề xuất của ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Vũ Trọng Kim nói: “Phải có ủy ban lâm thời giám sát Formosa.Vụ việc ở Formosa không chỉ là sự cố môi trường mà là thảm họa môi trường”.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao. Để tìm nguyên nhân, một số bộ ngành liên quan cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, cải tạo môi trường. |
Võ Hải - Hoài Thu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét