Ngày 28/7, đánh giá về cơn bão Mirinae vừa qua, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng thủy lợi cho biết, cơn bão hình thành nhanh, liên tục thay đổi hướng và khi vào đất liền lại di chuyển chậm. Ban đầu, tỉnh Ninh Bình được xác định không chịu ảnh hưởng nhưng đây lại là địa phương thứ hai sau Nam Định bị thiệt hại. Lượng mưa ghi nhận ở nhiều vùng trên 200 m, tập trung ở Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định.
Theo ông Hoài, cường độ không mạnh nhưng bão Mirinae đã gây ra thiệt hại lớn. Thống kê sơ bộ cho thấy một ngư dân Thanh Hóa mất tích; 8 người bị thương (5 người Hà Nội, 3 ở Thái Nguyên); một nhà đổ sập hoàn toàn, hơn 1.400 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 12 tàu chìm (nhiều nhất ở Nam Định với 7 chiếc); 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở Nam Định bị thiệt hại.
Hàng trăm cột điện cao thế ở nhiều tỉnh thành bị đổ gây nên sự cố mất điện toàn tỉnh tại ba tỉnh Nam Định - Hà Nam và Thái Bình. Các tỉnh lân cận cũng bị mất điện cục bộ trên diện rộng. Hơn chục ôtô bị hư hỏng do cây bật gốc đè trúng.
Bão cũng làm các tỉnh "điêu đứng" với hơn 196.000 ha lúa bị ngập, nặng nhất là Nam Định gần 78.000 ha, Thái Bình 50.000 ha. Gần 21.000 diện tích rau màu bị hư hại; hơn 5.000 cây bị gãy đổ, trong đó Hà Nội nhiều nhất.
Cây đổ đè lên ôtô của người dân Hà Nội, rất may không có thiệt hại về người. Ảnh: Giang Huy. |
Lý giải hiện tượng này, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương cho biết, thực tế khoảng 21-22h ngày 27/7 bão đã đi vào đất liền thuộc địa phận tỉnh Nam Định, sau đó chuyển hướng lên phía tây bắc, hướng về các tỉnh phía tây Bắc Bộ.
Đây là cơn bão đầu tiên trong điều kiện khí quyển chưa ổn định. "Thông thường khi vào bờ gặp ma sát bão sẽ 'nhảy cóc' và đi rất nhanh, nhưng cơn bão lần này lại đi chậm và giữ nguyên cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-13 từ lúc chưa vào bờ. Có thời điểm trong vài ba giờ bão hầu như không di chuyển nên gió mạnh kéo dài liên tục gần như suốt đêm qua, gây thiệt hại lớn", ông Cường giải thích.
Theo ông Cường, các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có gió mạnh cấp 8-9; vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13 như Văn Lý (Nam Định), Ba Lạt (Thái Bình). Ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. "Riêng Hà Nội đã được cảnh báo trước có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 kèm mưa rất to", ông Cường cho hay.
"Cơ bản chúng tôi dự báo sát với thực tế, khu vực đổ bộ có sự dịch chuyển nhưng đã được dự báo tương đối sớm", ông Cường khẳng định.
Đại diện Cục tìm kiếm cứu nạn cũng cho rằng: "Bão được dự báo sớm, đúng, càng về sau càng chính xác".
Kết luận cuộc họp, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, đây là cơn bão lớn gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp. Nhiều cây cổ thụ lớn trên đường Hà Nội cũng bị quật ngã. Cơn bão đi vào đất liền ở vùng lúa mùa vừa cấy, lượng mua lớn trên diện rộng nên sản xuất nông nghiệp cả lúa, hoa màu và cây ăn quả đều thiệt hại rất lớn.
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi kỹ diễn biến của bão và hoàn lưu sau bão; đề nghị ngành điện lực sớm khắc phục điện lưới, đặc biệt là những trạm bơm lớn và công trình phúc lợi được ưu tiên khác phục trước. Các địa phương tập trung bơm, tát và có giải pháp kỹ thuật để rút nước và chống úng ngập càng sớm lúc nào thì thiệt hại càng giảm bớt lúc đó.
Bão Mirinae được hình thành từ vùng áp thấp lúc 10h sáng 26/7. Ban đầu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) đưa ra hai phương án, thứ nhất khu vực bão đổ bộ với xác suất 70% là khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng và 30% là khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Tối cùng ngày, nhận thấy có sự thay đổi về quỹ đạo bão có khả năng đổi hướng đổ bộ vào đất liền Hải Phòng - Nam Định, Trung tâm đã ra thông báo, nhận định bão sẽ vào đồng bằng Bắc Bộ 70%, còn Quảng Ninh - Hải Phòng là 30%.
Sáng 27/7, Trung tâm nhận định cơn bão sẽ di chuyển về phía nam, đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định. Từ các bản tin sau, Trung tâm giữ nguyên hướng di chuyển và khu vực đổ bộ đã được xác định trước là Thái Bình - Ninh Bình, đồng thời cảnh báo khu vực ảnh hưởng trực tiếp từ nam Quảng Ninh đến bắc Thanh Hóa.
Vùng áp thấp mới có thể mạnh lên thành bão Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lo ngại, hiện có dấu hiệu hình thành vùng áp thấp mới ở ngoài khơi xa Philippines và khoảng 80% vùng áp thấp này mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày mai và sau đó một ngày có thể mạnh lên thành bão. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét