Sáng 25/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát năm 2017. Trong số nội dung giám sát được Thường vụ Quốc hội đề xuất có "việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước".
Ủng hộ giám sát chuyên đề nêu trên, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng nếu có một bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắn không để xảy ra chuyện sai sót. “Hiện nay bộ máy là đầy đủ. Nhưng tại sao vẫn xảy ra nhiều chuyện, chúng ta rất buồn khi báo chí nêu lên ăn không từ thứ gì và giờ xuất hiện thêm cụm từ là bán không từ thứ gì”. Người ta bán từ giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, đến con dấu chứng nhận thực phẩm. Con dấu đáng lý cơ quan chức năng dùng để đóng chứng nhận thực phẩm đã được kiểm nghiệm để nhập vào siêu thị, nhưng lại được chuyển cho người giết mổ gia súc và cứ thể đóng thoải mái”, đại biểu Phương dẫn chứng.
Theo ông Phương, gốc rễ vấn đề nằm ở người cán bộ, có người nói năng lực cán bộ kém, nhưng cử tri nói năng lực họ không hề kém. Vì toàn bộ những việc đó họ biết cả, chỉ vì lợi ích chi phối nên mới làm ngơ để xả thải chất độc ra môi trường một cách thoải mái, làm ngơ để hàng gian, hàng giả tràn lan.
Đại biểu Bùi Văn Phương cảm thấy chua xót khi "họ ăn của dân không từ thứ gì, bán không từ thứ gì". Ảnh: Q.H |
Trước những tồn tại trong bộ máy hành chính, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị phải truy trách nhiệm cá nhân để tránh việc đổ lỗi loanh quanh. “Nếu cá nhân làm sai mà cứ trốn vào tập thể, rồi đổ lỗi cho tập thể, không chịu trách nhiệm cá nhân thì còn tái diễn sai sót. Nhân dân đóng thuế nuôi bộ máy nhưng bộ máy không làm tròn trách nhiệm”, ông nói.
Chất lượng và trách nhiệm cán bộ cũng được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu. Ông cho rằng, nếu có một bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ có trách nhiệm và làm tròn bổn phân thì đã không có chuyện dân kêu trời với những “ách tắc, phiền hà”. Cũng sẽ không có những dự án đầu tư kém hiệu quả hàng triệu, hàng tỷ đôla, làm tăng thêm gánh nặng nợ công vốn đã gần đụng trần cho phép.
“Chắc chắn sẽ không có việc xả thải hủy hoại môi trường khủng khiếp như tại một số tỉnh miền Trung vừa qua, sẽ không có việc cấp khống giấy chứng nhận thủy sản, cũng không có hàng chục nghìn dân nghèo khốn khổ vì đa cấp, hàng nghìn người rơi vào cảnh cùng quẫn vì tín dụng đen”, đại biểu tỉnh Ninh Thuận nói..
Chỉ ra điểm yếu của bộ máy công chức, ông Cương phân vân về vai trò của chính quyền địa phương, kiểm tra một hồi cuối cùng không thấy rõ trách nhiệm thuộc về ai, và cái gì cũng đúng quy trình. “Dường như bây giờ cán bộ họp hành nhiều quá, nhiều tới mức cứ khi có việc gì xảy ra, người dân kêu cứu, phóng viên xin phỏng vấn thì đều khước từ vì... bận họp”, ông dẫn chứng.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nếu làm tốt việc giám sát thực thi công vụ trong bộ máy cơ quan hành chính sẽ tạo ra sự tăng trưởng. “Tăng trưởng không phải về mặt kinh tế mà là tăng trưởng về niềm tin của dân với Nhà nước”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt niềm tin.
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, Quốc hội vào cuộc giám sát dự án đầu tư nước ngoài gây hại tới môi trường, trọng điểm là dự án Formosa Hà Tĩnh.
Ông Nghĩa cho biết, mấy tháng qua, nhiều cử tri gặp ông nói rằng ăn không ngon, ngủ không yên, họ lo lắng và kiến nghị Quốc hội làm rõ sự cố môi trường biển. Nhưng tiếc rằng, trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 lại tìm mãi không thấy cụm từ môi trường.
Theo ông Nghĩa, những vụ việc như Formosa vừa qua làm nổi lên vấn đề là quy trình, thủ tục đều có, đều đúng nhưng vẫn xảy ra sự cố. “Vậy phải chăng quy trình có sơ hở?", ông Nghĩa đặt vấn đề và cho rằng giám sát Formosa lúc này sẽ thuận lợi là nhà máy chưa đi vào sản xuất chính thức, do vậy có xem xét và kịp thời ngăn chặn các hành vi sai trái ngay từ đầu. Theo đó, chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 nên bổ sung chuyên đề về môi trường và chuyên đề về việc phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, trọng điểm là dự án Formosa.
“Tôi đề nghị nếu các dự án đầu tư tư nhân có tác động lớn về an ninh, quốc phòng, môi trường thì Quốc hội phải giám sát mức độ nào đó. Cùng sát cánh với Chính phủ để biết được dự án đó, vấn đề đó sẽ tác động và dẫn xã hội tới cái đích nào, tránh lặp lại những vấn đề như vừa qua", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị Quốc hội vào cuộc vụ Formosa. Ảnh: Giang Huy. |
Ủng hộ đề xuất của ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Vũ Trọng Kim nói: “Phải có ủy ban lâm thời giám sát Formosa, vì đây là giám sát cả đầu tư chứ không chỉ là môi trường. Vấn đề này bây giờ không hề đơn giản. Vụ việc ở Formosa không chỉ là sự cố môi trường mà là thảm họa môi trường. Bao giờ mới khắc phục xong, nguy cơ còn không, ai dám nói?”.
Ông Kim đúc kết, “chúng ta phải có câu trả lời xác đáng, đúng thời điểm, không được chậm trễ. Với tinh thần vì sự nghiệp bảo vệ môi trường, xin đề nghị Quốc hội xem xét lập ủy ban lâm thời về Formosa”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát năm 2017, gồm: - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016. - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP). - Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh. |
Võ Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét