Trả lời VnExpress, ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh) cho rằng tỉnh này cấp phép cho dự án Formosa 70 năm "không có gì sai". Tuy nhiên, dưới góc độ một người làm luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích việc quy định cấp phép cho dự án thời hạn 50 năm hay 70 là rất khác nhau.
Với quy định pháp luật hiện hành, nhìn chung các dự án có thời hạn 50 năm, trường hợp 70 năm là đặc biệt và hiếm hoi. Vì vậy, ở cấp Chính phủ, khi Thủ tướng phê duyệt 70 năm phải có hồ sơ và có sự tư vấn đầy đủ của các bộ, ngành, nghĩa là không đơn giản Thủ tướng gật đầu ngay mà phải có quá trình xem xét rồi mới quyết định. "Còn ở địa phương, nếu tỉnh tự động cấp 70 năm, làm quá quyền hạn, thì không thể bào chữa được. Cái đó là sai rồi", ông Nghĩa nói.
Theo đại biểu Nghĩa, ông Võ Kim Cự từng là Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cán bộ cấp này thuộc sự quản lý của Trung ương. "Để xem xét trách nhiệm của ông Cự với vấn đề Formosa thì cách làm nên như với ông Trịnh Xuân Thanh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát trách nhiệm cụ thể với ông Cự về những quyết định trước đây", đại biểu Nghĩa nói.
"Phụ trách một lĩnh vực mà thiệt hại lớn như vậy thì có lời xin lỗi là chuyện bình thường. Còn trách nhiệm cụ thể thì phải xem xét, cơ quan chức năng vào cuộc là để xem có sai phạm hay không? Việc này đừng nên chậm trễ vì có thể gây ra những dư luận bất lợi", ông Nghĩa đề nghị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phần trả lời của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh về dự án Formosa là chưa thoả đáng. Ảnh: Giang Huy |
Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho Formosa trước khi Chính phủ đồng ý
Ngày 16/1/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đề nghị về chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và dự án Cảng nước sâu Sơn Dương. Khoảng 6 tháng sau, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với thời hạn 70 năm.
Trước đó, quá trình xem xét đề nghị của Hà Tĩnh, Văn phòng Chính phủ đã có các công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đồng ý về chủ trương và nguyên tắc, không có nội dung nào về thời hạn đầu tư của Formosa Hà Tĩnh. Ngày 6/6/2008, cùng với việc đồng ý về nguyên tắc cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan thực hiện dự án đầu tư khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương, Thủ tướng giao UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến các bộ, ngành hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan, chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “theo quy định hiện hành”…
Về phía Thanh tra Chính phủ, khi thực hiện chức năng đã cho rằng Hà Tĩnh chưa thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan đến thời hạn đầu tư của Formosa Hà Tĩnh. Cụ thể, năm 2012, Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đến tháng 4/2015, thông báo kết luận cuộc thanh tra này xác định: Việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm điều 52, Luật đầu tư 2005.
“Trách nhiệm của thường trực UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Điều 52, Luật Đầu tư 2005 quy định, thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá 70 năm.
Cần sửa đổi pháp luật về đầu tư Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải sửa đổi pháp luật về đầu tư của Việt Nam trước những sự việc đáng báo động như vụ Fomosa. Đồng thời, chính sách thu hút đầu tư cũng phải xem xét lại, trong đó có vấn đề về phân cấp xét duyệt đầu tư, không chấp nhận các dự án đầu tư gây ô nhiễm. Có dự án tuy quy mô nhỏ thôi nhưng lại gây ô nhiễm như có chất phóng xạ hay có yếu tố về an ninh, quốc phòng thì cơ quan trung ương phải xem xét. Tỉnh có thể thu hút đầu tư nhưng việc xét duyệt các dự án như vậy phải do bộ, ngành trung ương làm. Theo ông Nghĩa, nhiều tỉnh thành, lãnh đạo đã không thoát khỏi sự cám dỗ của cái gọi là tăng trưởng GDP thuần tuý. Cho nên, nhiều người đã có những sơ hở trong xét duyệt dự án, không xuất phát từ lợi ích dài hạn, bền vững của quốc gia mà chỉ chạy theo thành tích của nhiệm kỳ nhất định. Thành tích phát triển không thể chỉ dựa trên con số tăng trưởng GDP 5, 7 hay 10%. Bởi nếu giá cho tăng trưởng đó là môi trường thì sau này cũng phải lấy tiền để khắc phục, chưa kể những thất thoát về tài nguyên. |
Võ Hải - Võ Văn Thành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét