Vùng đất Yên Đồng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) nơi anh Đại sinh ra vốn rất khó khăn lại thường xuyên lụt lội. Mỗi kỳ thi đại học, nhiều gia đình nông dân nghèo phải gom góp cả tháng hoặc chạy vạy vay mượn mới đủ tiền đưa con đi thi.
Tình nguyện viên trong nhóm của anh Đại phát cơm miễn phí tận nhà trọ cho sĩ tử. Ảnh: Phương Vy. |
“Năm 2010, trong một lần đưa cháu đi thi đại học ở Hà Nội, tôi và các phụ huynh khác phải thuê phòng trọ giá rất cao. Thi xong mỗi môn lại đi bộ tìm quán bán cơm. Chi phí cho mỗi lần đưa con đi thi cũng tốn 4-5 triệu đồng, với những gia đình khó khăn thì số tiền ấy quá lớn”, người đàn ông 38 tuổi nói.
Xuất phát từ ý nghĩ thiện nguyện, từ năm 2011 đến nay anh Đại đều bỏ tiền túi thực hiện các chương trình tiếp sức mùa thi. “Những năm trước, biết gia đình nào có con đi đại học tôi tìm đến nhà vận động để được đưa đón. Dù ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa… hay xa hơn tôi cũng cho xe đưa đến nơi về đến chốn. Có phụ huynh ở gần nhà biết tôi làm nhiều năm nên yên tâm giao mọi việc cho tôi lo liệu để ở nhà làm mùa”, anh Đại kể.
Năm nay, thí sinh Ninh Bình dự thi THPT quốc gia tại tỉnh nhà nên anh Đại chuyển sang nấu cơm miễn phí phát cho các sĩ tử. Trước kỳ thi, anh Đại liên hệ với các trường học, chính quyền 13 xã trong huyện Yên Mô để lấy danh sách thí sinh. Anh đăng tải thông tin trên mạng xã hội để mọi người biết, đăng ký cơm. Sau đó anh nhờ địa điểm nấu cơm của người trong gia đình ở TP Ninh Bình cho thuận tiện.
“Trong ngày thi đầu tiên hơn 20 người gồm cả sinh viên và người nhà nấu 300 suất cơm chủ yếu phục vụ thí sinh, phụ huynh trong huyện. Những ngày thi tiếp theo nếu thí sinh, phụ huynh ở các huyện khác đăng ký chúng tôi sẽ nấu thêm”, anh Đại nói.
Các tình nguyện viên trong nhóm của anh Đại chuẩn bị kỹ lưỡng từng hộp cơm hợp vệ sinh để phát tận tay thí sinh. Ảnh: Phương Vy. |
Thực đơn bữa đầu tiên gồm cơm, thịt kho dừa, chả lụa, rau muống xào và canh ngao. Để thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn, anh Đại tự tay chọn mua thực phẩm. “Tôi mua gạo mới giống Thiên hương để nấu cho cơm ngon, dẻo, thịt nạc mông, còn rau muống được mua ở quê để tránh bị phun thuốc”, anh Đại chia sẻ.
Để có bữa cơm ngon, đúng giờ cho thí sinh, nhóm của anh Đại phải dậy từ 4h sáng sơ chế thực phẩm. Sau đó một nhóm đến các điểm trường ở TP Ninh Bình lựa chọn điểm đứng dễ thấy, đón thí sinh để khi thi xong là nhận được cơm ngay. “Buổi sáng, 8h chúng tôi mới bắt đầu nấu cơm, khoảng 2 tiếng thì xong 300 suất, đảm bảo khi cơm đến tay người ăn vẫn còn nóng”, anh Đại chia sẻ.
Để có tiền thực hiện chương trình mỗi tháng anh Đại trích 1-2 triệu đồng thu nhập kinh doanh ảnh viện áo cưới của mình, bỏ trong lợn đất. Trước ngày thi một tuần anh gom tiền rồi gác mọi công việc để tâp trung tiếp sức mùa thi. Với số tiền 40 triệu đồng, anh lên kế hoạch chi tiêu chi tiết từ mua thực phẩm, nước uống tinh khiết, gia vị, gas, hộp nhựa đựng cơm và chi phí phát sinh để cân đối suất cơm phát ra. Sau đó nhờ gia đình, các bạn sinh viên trong huyện chung tay giúp đỡ nấu nướng và đến các điểm trường phát cơm.
Anh Phạm Văn Đại, người nhiều năm tự tiết kiệm tiền tiếp sức mùa thi cho các thí sinh của quê hương. Ảnh: Phương Vy. |
Dự kiến nhóm tình nguyện của anh Đại sẽ nấu hơn 1.000 suất cơm trong cả 4 ngày thi. Ngoài phát cơm, nước uống, anh còn liên hệ cho phụ huynh, thí sinh có chỗ ở miễn phí sạch sẽ, gần địa điểm thi.
Bạn Phương Nga, tình nguyện viên trong nhóm tâm sự: “Những năm trước chúng em được chú Đại đưa đi thi, phục vụ miễn phí rất yên tâm. Giờ là sinh viên, tranh thủ nghỉ hè nên cùng chú giúp đỡ các em khóa sau”.
Phương Vy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét